Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Rừng có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ô-xy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra; là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất trên thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán... Những giá trị của rừng đối với cuộc sống rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, rừng đang bị chính con người tàn phá một cách nghiêm trọng. Không phải là quá muộn để chúng ta hành động bảo vệ và phát triển những cánh rừng bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh toàn cầu, vì sức khỏe cộng đồng.

Theo tổ chức Liên hợp quốc, đến năm 2025, có 2,3 tỷ người trên thế giới (chiếm trên 40% dân số toàn cầu) trải dài trên 21 quốc gia trên thế giới sẽ bị thiếu nước sinh hoạt và trồng trọt một cách trầm trọng. Việc thiếu nước có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là mực nước ngầm đang giảm nghiêm trọng, do rừng bị xâm hại. Cùng với sự thiếu hụt nguồn nước, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và có thể tăng từ 30C – 60C vào năm 2050, đang trở thành mối quan tâm toàn cầu về bảo vệ rừng hiệu quả.

Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, thường xuyên đã ảnh hưởng lớn tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Độ che phủ của rừng nước ta cũng đang giảm sút. Những tổn thất về rừng không thể bù đắp được và gây ra nhiều thiệt hại lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Khu vực biên giới đất liền của tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình chủ yếu rừng núi hiểm trở, trên địa bàn có 16.646 hộ dân/73.733 khẩu, đa số là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Nhiều năm trước, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào khai thác rừng, đốt nương làm rẫy, mảnh đất này cằn, họ lại phát, đốt khu vực rừng khác làm rẫy, dù vất vả nhưng không đủ ăn, nhiều hộ vẫn bị thiếu đói đứt bữa. Không chỉ vậy, diện tích rừng cũng dần bị tàn phá đến cạn kiệt.

Trước tình hình đó, cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã cùng chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm triển khai công tác bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn biên giới; luôn xác định rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cũng như giữ được rừng tự nhiên trên địa bàn biên giới thì phải dựa vào dân. Để làm được điều đó thì phải tuyên truyền cho dân hiểu các quy định của pháp luật, quyền lợi được thụ hưởng khi tham gia bảo vệ tài nguyên rừng.

Trên tinh thần đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn biên giới. Công tác này được triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền tập trung trong các cuộc họp thôn, bản, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, thông qua những người có uy tín, già làng, trưởng bản, thành viên các tổ tự quản, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, qua hệ thống loa truyền thành của địa phương, của đồn Biên phòng, loa tuyên truyền lưu động, tờ rơ, tờ gấp, hệ thống pa nô, áp phích... Nội dung tuyên truyền được lựa chọn phù hợp với tình hình địa bàn, đời sống sinh hoạt của người dân như kiến thức phòng, chống tệ nạn ma túy, tội phạm mua bán người và các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng... Chính vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ khi được các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đến tuyên truyền, vận động, giải thích về quyền lợi khi tham gia bảo vệ, trồng rừng, hầu hết các hộ gia đình đã thay đổi suy nghĩ và đã đăng ký bảo vệ rừng tự nhiên, tham gia trồng rừng; đến nay có 05 tổ/59 hộ và 02 cộng đồng/141 hộ nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích là 1.782,26ha. Giờ đây, hằng năm, các gia đình có khoản thu nhập đều đặn từ nguồn kinh phí bảo vệ và trồng rừng. Điển hình như: Hộ gia đình ông Hồ Văn Mão và 15 hộ gia đình tham gia Tổ bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng thôn Pa Ling đã nhận bảo vệ 02 tiểu khu 740, 741 ở thôn A Sau, Pa ling với diện tích 445ha; trồng rừng 11,5ha; Đồn Biên phòng CKQT La Lay, Đồn Biên phòng A Vao, Ba Nang nhận bảo vệ 3.921,94 ha rừng; Đồn Biên phòng Thanh đã triển khai dự án trồng 1 triệu cây xanh tại dọc sông Sê Pôn thuộc địa bàn 02 xã Thanh và Xy, đến nay đã trồng 150.000 cây (xã Xy cho 12 hộ 30.000 cây, xã Thanh 58 hộ 120.000 cây); qua hơn 01 năm triển khai trồng, cây phát triển tốt được chính quyền và nhân dân (các hộ đã được thụ hưởng) đánh giá cao.

Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên địa bàn biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã nhận bảo vệ 5.704,2ha rừng, chỉ đạo các đồn Biên phòng duy trì đều đặn công tác tuần tra bảo vệ biên giới, kết hợp với bảo vệ rừng trên địa bàn, hàng năm duy trì 432 đợt tuần tra/3.024 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Những buổi tuần tra của các đơn vị luôn có sự tham gia của Kiểm lâm và người dân các thôn, bản. Để tăng cường khả năng bảo vệ rừng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho chính quyền địa phương ở khu vực biên giới thành lập, duy trì 48 tổ tự quản bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Thành viên các tổ tự quản tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng và có thể nhanh chóng cơ động xử lý các tình huống nguy hại đến rừng. Họ cũng thường xuyên thông báo cho Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương khi phát hiện người lạ vào địa bàn, vi phạm quy chế biên giới hay có hành vi làm tổn hại đến rừng.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng phối hợp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời chỉ đao các đồn Biên phòng tích cực tham mưu, phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các xã, thị trấn phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân ở khu vực biên giới; thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình như: chương trình “Mái ấm Biên cương” từ năm 2009 đến nay đã xây dựng được 119 nhà và trên 40 công trình dân sinh tổng trị giá trên 12 tỷ đồng; “Bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới” đã trao tặng 51 con bò giống tổng trị giá 500 triệu đồng; “Dê giống khởi nghiệp” đã trao trên 30 cặp Dê giống tổng trị giá 180 triệu đồng; “Ánh sáng vùng biên” đã xây dựng được gần 12 km đường điện chiếu sáng các trục đường liên thôn, tổng trị giá 960 triệu đồng; “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương” từ năm 2018 đến nay đã huy động hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế, công trình dân sinh, tặng quà hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, từ năm 2016 đến nay đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 172 cháu, nhận nuôi 35 cháu, mỗi tháng 500 nghìn đồng/cháu; Dự án “CBCS Quân đội nâng bước em tới trường” từ năm 2022 đến nay BĐBP tỉnh đã nhận nuôi 18 cháu, hỗ trợ 46 cháu với tổng kinh phí trên 1.6 tỷ đồng; Chương trình “Xuân Biên phòng- Ấm lòng dân bản” hàng năm đã huy động hàng tỷ đồng mỗi năm để chăm lo cho đồng bào biên giới. Bên cạnh đó các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực giúp dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng như việc phát triển cây lúa nước, trồng sắn nguyên liệu KM 94, Ngô, cây chuối, cây cao su, cây ăn quả; phát triển vùng cây cà phê và trồng rừng ở các xã phía Bắc huyện Hướng Hóa; kinh tế trang trại, khu chăn nuôi tập trung, các làng nghề truyền thống ở hầu khắp các xã tạo thêm thu nhập ổn định cho nhân dân, không còn hộ đói giáp hạt, từng bước giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, hộ giàu. Từ đó hạn chế tình trạng phát rừng làm rẩy của bà con nhân dân ở khu vực biên giới.

Đồng thời, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với địa phương xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng thường trực, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng ở từng khu vực để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tại các thôn, bản, ngoài làm tốt công tác phòng cháy, tổ bảo vệ rừng chủ động chuẩn bị tốt các dụng cụ chữa cháy như: Máy cưa, dao phát, bàn dập lửa, dụng cụ đựng nước,... để sẵn sàng thực hiện công tác chữa cháy nhanh chóng, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng chống, chữa cháy rừng của người dân biên giới có sự chuyển biến tích cực./.

Tác giả: Trung tá Nguyễn Anh Tuấn

                                                         Trưởng Ban VĐQC, Phòng Chính trị, BĐBP tỉnh Quảng Trị

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 883

Tổng lượt truy cập: 3.591.605