Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Biện pháp phòng trừ nhện đỏ trên cây sắn

Biện pháp phòng trừ nhện đỏ trên cây sắn

Năm 2023 toàn tỉnh đã trồng được 11.500 ha sắn. Hiện nay cây sắn phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, thời gian qua thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhện đỏ cũng bắt đầu xuất hiện gây hại ở một số vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh. Nhện đỏ là dịch hại nguy hiểm của cây sắn, chúng gây hại trong suốt mùa khô, nhất là khi, thời tiết nắng nóng kéo dài, nếu không phòng trừ kịp thời nhện gây hại mạnh làm cho lá sắn úa vàng và rụng, làm giảm đến 90% hoạt động quang tổng hợp của cây, 78% tuổi thọ lá và 65% kích thước lá, là những phần quan trọng trong đời sống của cây sắn. Vì vậy, năng suất củ sẽ giảm 20-80%, phụ thuộc vào giống, tuổi cây và thời gian bị hại. Mặt khác, số lượng và chất lượng của thân cây để làm giống cũng bị ảnh hưởng.

1. Triệu chứng gây hại

- Nhện đỏ có miệng chích hút như mũi kim. Chúng chích vào thân cây, đầu tiên ở mặt dưới lá. Hầu hết các loài nhện đều tạo màng tơ trên cây ký chủ.

Nhện chích hút tạo thành các vết chấm trắng và về sau lá trở nên vàng xám hay có màu đồng. Các vết đốm hoại tử trên lá xuất hiện khi lá bị nặng

- Khi quần thể tăng trưởng, nhện đỏ phân bố khắp bề mặt lá, bao gồm cả mặt trên lá và những đốm vàng bao trùm cả lá làm chuyển sang màu đỏ hay rỉ sắt. Khi bị nặng, phần lá giữa và dưới có biểu hiện tiến trình rụng lá hướng về ngọn, chồi bị teo tóp lại và cây có thể bị chết. Ban đầu nhện đỏ tấn công những cây cục bộ, sau đó lan ra một nhóm cây trong vùng và lan tỏa ra khắp vùng. Chúng phân bố nhanh chóng do gió mang các mạng nhện treo vào các cây khác.

Ảnh: Triệu chứng cây sắn bị nhện đỏ gây hại

2. Biện pháp phòng trừ

- Để quản lý nhện đỏ hại sắn hiệu quả cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Đó là sử dụng giống kháng bệnh, biện pháp sinh học, kỹ thuật canh tác và thuốc hóa học. Biện pháp sinh học là sự quản lý dịch hại thông qua việc sử  dụng và bảo tồn các loài thiên địch của nhện (Hiện có 32 loài ăn mồi thiên địch được ghi nhận tấn công nhện đỏ). Kỹ thuật canh tác làm giảm quần thể nhện đỏ như luân canh; tiêu hủy cây bị nhện đỏ gây hại; chọn cây giống sạch, không mang nhện và sâu bệnh, đồng thời trồng thưa để giảm sự lan truyền nhện.

- Việc dùng thuốc hóa học trừ nhện chỉ áp dụng khi những biện pháp khác không hiệu quả. Khi mật độ nhện đỏ cao và có xu hướng phát triển mạnh, có thể sử dụng các loại thuốc như: Angun 5 WG; Voliam targo 63SC; Map Go 20ME, Comite® 73 EC,…

- Một số chú ý khi phòng trừ nhện đỏ: mưa làm giảm quần thể nhện, vì vậy không cần thiết phải phun thuốc vào cuối mùa khô. Nhện đỏ có tính kháng cao với hầu hết các thuốc trừ nhện sau khi sử dụng một thời gian dài. Các thuốc trừ nhện không có hoặc ít tác dụng trên trứng, vì vậy phải phun thuốc với chu kỳ 5-7 ngày/lần và phải luân phiên thay đổi thuốc khi phòng trừ nhện đỏ. Quá trình phun thuốc phải đảm bảo lượng nước thuốc được trải đều hai mặt lá nhất là mặt dưới lá và phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng...

                          Phạm Thị Phương Thảo - Trạm Trồng trọt và BVTV Cam Lộ

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 677

Tổng lượt truy cập: 3.561.714