Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 1260/SNN-TTBVTV
V/v tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Hè Thu 2023.

Quảng Trị, ngày 23 tháng 5  năm  2023

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

Thời gian qua đã xảy ra nắng nóng diện rộng trên địa bàn tỉnh, nhiều ngày nhiệt độ cao trên 400C, ẩm độ không thấp dưới 45%, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Quảng Trị, thời gian đến nắng nóng tiếp tục xảy ra gay gắt với tần suất 2 - 3 đợt/tháng, nhiệt độ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1,0oC; Lượng mưa dự báo xấp xỉ dưới TBNN gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 410/TT-CNN ngày 22/5/2023 của Cục Trồng trọt về tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 2249/UBND-TH ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh. Để chủ động phòng, chống nắng nóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở cần nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cây trồng như sau:

I. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở để chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Phương án số 6745/PA-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về tổ chức sản xuất nông nghiệp năm 2023, đồng thời hướng dẫn các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cây trồng như sau:

1. Đối với cây lúa:

- Tập trung nhân lực để làm đất, gieo cấy lúa với phương châm "nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó"  đảm bảo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống theo Thông báo số 909/TB-SNN ngày 18/4/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT; thường xuyên kiểm tra giống trong quá trình ngâm ủ, tránh nhiệt độ cao làm hỏng giống. Chú ý làm đất thật kỹ, tạo cho mặt ruộng được bằng phẳng, không để nước đng trên ruộng nhất là các ngày nắng nóng để tránh chết mầm do nhiệt độ quá cao. Nên gieo sạ vào sáng sớm hoặc chiều mát, các ruộng mới gieo cần giữ đủ độ ẩm trên ruộng, tùy theo mức độ phát triển chiều cao của cây lúa để điều tiết nước trong ruộng phù hợp, đảm bảo tiết kiệm nước, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

- Phun thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Đối với thuốc trừ cỏ tùy theo điều kiện ruộng lúa để sử dụng thuốc tiền nẩy mầm hoặc hậu nẩy mầm; phun thuốc BVTV vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi sử dụng thuốc tiền nẩy mầm cần chú ý phun khi đất còn đủ độ ẩm (từ 0-2 ngày sau khi sạ), tránh để ruộng bị khô, nứt nẻ sau khi phun thuốc.

- Xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết của cây lúa; đảm bảo đủ nước tưới, nhất là giai đoạn làm đòng, trổ bông.

- Chủ động rà soát các diện tích ruộng lúa thiếu nước không thể sản xuất
hoặc sản xuất lúa hiệu quả thấp để vận động nhân dân chuyển đổi sang các cây
trồng cạn như đậu xanh, ngô, dưa hấu, mè… hoặc các hình thức sản xuất khác
phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn trồng lúa.

- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ Khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; Khuyến cáo người dân ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ vào sản xuất, bón phân cân đối, tập trung bón lót  nặng và thúc sớm, tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá chuyên dùng, chất kích thích sinh trưởng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, nhằm giúp cây lúa đẻ nhánh sớm và tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

- Tăng cường công tác thăm đồng nhằm phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

2. Đối với cây rau, màu, cây trồng chuyển đổi trên đất lúa

- Khuyến cáo người trồng rau các loại nên sử dụng các vật liệu chống nắng như phủ rơm, rạ, trấu trên mặt ruộng, làm giàn lưới che, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm,...

- Đối với các cây khác như lạc, đậu xanh, dưa hấu, ngô...tùy theo điều kiện để áp dụng hệ thống tưới rãnh, tưới phun mưa, đảm bảo cây đủ độ ẩm để sinh trưởng phát triển tốt.

3. Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả

- Không tiến hành trồng mới cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước/không chủ động nước tưới;

- Không sử dụng thuốc diệt cỏ hoặc làm sạch cỏ trơ đất trong vườn cây, cần sử dung máy cắt cỏ để cắt, giữ lại lớp thảm thực vật nhằm bảo vệ tầng đất mặt khỏi rửa trôi, giảm bớt nhiệt độ đất, hạn chế sự bốc thoát hơi nước, che chắn cho bộ rễ khỏi thương tổn. Tăng cường tủ gốc, giữ ẩm cho cây bằng lá khô, rơm rạ, các phụ phẩm nông nghiệp hoặc màng phủ nông nghiệp.

- Chủ động tạo nguồn nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng tưới luân phiên, đúng thời điểm và vừa đủ nước, Thời điểm tưới nước tốt nhất vào lúc sáng sớm, không tưới khi nắng nóng, nhiệt độ cao;

- Tỉa bớt cành nhánh, các chùm sai quả, các quả nhỏ, quả vẹo, dị hình để hạn chế thoát hơi nước, tập trung cho quả chính phát triển tốt;

- Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời  nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.

4. Quản lý tốt nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

- Nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng.

 - Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.

- Phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm.

- Xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án phòng chống hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó cần lưu ý việc bố trí kinh phí cho phòng chống hạn... nhất là những vùng có nguy cơ cao.

II. Đối với các đơn vị trong Ngành

1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong chỉ đạo sản xuất nhất là hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước, sử dụng giống ngắn ngày, mùa vụ, kỹ thuật gieo trồng và phòng chống sâu, bệnh; Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, để chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các địa phương các giải pháp chăm sóc cây trồng ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn;

- Phối hợp với các ban ngành liên quan, cơ quan thông tin đại chúng, trang nông nghiệp của ngành để thông báo tình hình diễn biến thời tiết bất thuận và các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch hại kịp thời, hiệu quả.

2. Chi cục Thủy lợi

- Chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các giải pháp thủy lợi, phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặnđảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán gây ra.

- Phối hợp với Công tyTNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị xây dựng phương án và kịch bản đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong điều kiện hạn hán xảy ra. Các giải pháp phòng chống hạn hán phải mang tính đồng bộ, hiệu quả, có trọng điểm, ưu tiên theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện tình hình sản xuất từngkhu vực, từng địa phương.

- Phối hợp với các địa phương, các đơn vị có liên quan Xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết của cây lúa.

- Xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án phòng chống hạn, trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt, trong đó cần lưu ý việc bố trí kinh phí cho phòng chống hạn... nhất là những vùng có nguy cơ cao.

3. Trung tâm Khuyến Nông:

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành và các cơ quan liên quan để phân công cán bộ phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất;

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cấp
chính quyền, các hội, đoàn thể quần chúng để vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế.

4. Công ty TNHH MTV QLKTCT thủy lợi Quảng Trị.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình,
điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng.

- Căn cứ tình hình sản xuất và diễn biến thời tiết để có phương án điều tiết nước tưới tiết kiệm, khoa học, đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ Hè Thu 2023, nhất là giai đoạn lúa làm đòng đến trổ;

- Tuyệt đối không ký hợp đồng tưới ở các vùng ruộng cảnh báo khô hạn, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị trong Ngành có liên quan, Công ty TNHH MTV QLKTCT thủy lợi Quảng Trị, quan tâm, kịp thời chỉ đạo đồng thời báo cáo tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra và những khó khăn, vướng mắc về Sở Nông nghiệp và PTNT để kịp thời chỉ đạo, xử lý./.

Nơi nhận:                                                                                    

- Như trên;

- UBND tỉnh (B/cáo);

- Cục Trồng trọt ;

- Giám đốc Sở (B/cáo) ;

- PGĐ Sở : Nguyễn Hồng Phương;

- Chi cục Thủy lợi ;

- Trung tâm Khuyến nông ;

- Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị;

- Lưu: VT, TTBVTV.

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

(Đã ký)

Nguyễn Hồng Phương

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 2694

Tổng lượt truy cập: 3.248.297