Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

    Thực hiện Nghị quyết 160/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị “Ban hành Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, UBND huyện Gio Linh ban hành Kế hoạch 116/KH-UBND ngày 12/8/2022 và công văn 1132/UBND-NN ngày 19/8/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 160/2021/NQ-HĐND tỉnh đồng thời đi kiểm tra tình hình thực hiện tại 2 thị trấn (TT Gio Linh và TT Cửa Việt).

Trên cơ sở kế hoạch và hướng dẫn của UBND huyện, các địa phương chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết đã tiến hành xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai các bước thực hiện, cụ thể:

- Tại TT Gio Linh: UBND thị trấn đã ra Thông báo số 113/TB-UBND ngày 08/9/2022 về việc niêm yết công khai quy định khu vực thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến tại địa phương theo NQ 160/2021/NQ-HĐND, đã xây dựng được Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 03/11/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 160/2021/NQ-HĐND. Theo kết quả kiểm tra của Trạm, phòng NN&PTNT huyện và báo cáo số 30/BC-UBND ngày 15/3/2023 của UBND thị trấn Gio Linh, tính đến tháng 3/2023: số hộ trong khu vực không chăn nuôi: 20 hộ; số hộ đã ngừng hoạt động chăn nuôi là 12/20 hộ, đạt 60% tổng số hộ chăn nuôi ban đầu.

- Tại Thị trấn Cửa Việt: đã xây dựng Kế hoạch số 467/KH-UBND ngày 27/10/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 160/2021/NQ-HĐND. Theo kết quả kiểm tra của Trạm, Phòng NN&PTNT và báo cáo số 490/BC-UBND ngày 11/11/2022, TT Cửa Việt có 54 hộ trong khu vực không được phép chăn nuôi và 02 hộ nuôi chim yến. UBND TT Cửa Việt chỉ mới tiến hành ký cam kết về việc giữ nguyên hiện trang không cơi nới, và các quy định khác về nuôi chim yến.

Trong quá trình triển khai, các địa phương cũng đã gặp một số khó khăn, trở ngại:

- Về đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Hiện tại trên địa bàn Thị trấn Gio Linh không có quỹ đất để đưa vào quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nên dẫn đến khó khăn cho các hộ chăn nuôi muốn di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi nhằm đảm bảo cho hoạt động chăn nuôi lâu dài cũng như phát triển kinh tế.

- Ngoài ra mức hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi di dời chưa phù hợp, không có chế độ hỗ trợ cho các hộ chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi để chuyển đổi sinh kế nên chưa tạo được sự đồng thuận của người chăn nuôi.

Do đặc điểm các hộ chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi tại các địa phương chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, trước tình hình các khó khăn nói trên, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân chủ động chuyển đổi nghề nghiệp khác, đồng thời kiến nghị lên cấp trên xem xét chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi tự nguyện chấm dứt hoạt động chăn nuôi, chuyển đổi sinh kế; đề xuất cấp trên cho phép hạn chế số lượng đàn vật nuôi theo từng giai đoạn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi trong khu vực cấm chăn nuôi, đồng thời đề nghị UBMTTQ, các hội đoàn thể tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên của mình hợp tác với chính quyền để hoàn thành việc thực hiện nghị quyết.

Hiện tại, tại địa bàn Thị trấn Cửa Việt, tất cả 54 hộ chăn nuôi đã ngừng hoạt động chăn nuôi, chuyển sang các hoạt động sản xuất khác; đối với 01 hộ nuôi chim yến (ở 02 địa điểm), đã cam kết không cơi nới, mở rộng sản xuất, đồng thời chấp hành các quy định về việc sử dụng loa phóng phát âm thanh. Đối với Thị trấn Gio Linh, đã có 15 hộ ngừng hoạt động chăn nuôi, chuyển qua sinh kế khác, hiện còn 05 hộ, UBND thị trấn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng thời đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí di dời theo đúng quy định.

        Dự kiến các địa phương sẽ hoàn thành việc thực hiện ngừng các hoạt động chăn nuôi trong khu vực cấm chăn nuôi trong năm 2024 đúng tiến độ và đạt yêu cầu mà Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra.

             Lê Hữu Thân - Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gio Linh

Đang truy cập: 30

Hôm nay: 524

Tổng lượt truy cập: 3.542.693