Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ KÊ ĐƠN, ĐƠN THUỐC THÚ Y

Kháng sinh được sử dụng cho động vật với mục tiêu phòng bệnh và trị bệnh đối với các bệnh nhiễm khuẩn,… Việc sử dụng kháng sinh không đúng mục đích, không đúng liều và không đúng thời gian sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc không chỉ đối với vật nuôi, mà cả ở con người; ảnh hưởng đến an toàn, vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Quy định hiện hành về kê đơn, đơn thuốc thuốc thú y theo Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 và Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, như sau:

1. Nguyên tắc kê đơn thuốc thú y

a. Tất cả các loại thuốc thú y phải được kê đơn khi sử dụng, trừ các loại thuốc thú y sau:

Các loại thuốc thú y không phải kê đơn được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bao gồm:

- Thuốc thú y có chứa hoạt chất thuộc nhóm thuốc phòng trị bệnh cầu trùng bao gồm: Decoquinate, Diclazuril, Halofuginone hydrobromide, Lasalocid A sodium, Maduramicin ammonium alpha, Monensin sodium, Narasin, Nicarbazin, Robenidine hydrochloride, Salinomycin sodium, Semduramicin sodium.

- Thuốc thú y có chứa hoạt chất sát trùng, khử trùng, tiêu độc dùng trong hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Các loại vắc xin, kháng thể dùng trong thú y.

- Hoóc môn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

- Các loại thuốc thú y dùng cho mục đích tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị bệnh.

- Thảo dược, dược liệu dùng trong thú y.

b. Việc kê đơn thuốc thú y phải dựa trên kết quả khám bệnh hoặc chẩn đoán hoặc xét nghiệm bệnh, trừ trường hợp quy định về Kê đơn thuốc thú y có chứa kháng sinh để phòng bệnh cho động vật theo khoản 1 Điều 19 Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT; bảo đảm hợp lý, an toàn, hiệu quả và phù hợp với mức độ bệnh.

c. Người kê đơn chỉ được kê đơn đối với các loại thuốc thú y được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.

2. Người kê đơn thuốc thú y

Những cá nhân sau được kê đơn thuốc thú y:

- Có chứng chỉ hành nghề chẩn đoán, khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật.

- Là bác sĩ thú y hoặc người có trình độ đại học chuyên ngành thú y, chăn nuôi - thú y và có chứng chỉ hành nghề về chẩn đoán, khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật khi kê đơn thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

3. Nội dung kê đơn, đơn thuốc thú y

- Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các nội dung của đơn thuốc theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT.

- Kê đơn đối với các loại thuốc thú y như sau:

+ Thuốc thú y có một hoạt chất

Ghi theo tên chung quốc tế (INN, generic). Ví dụ: thuốc có hoạt chất là Amoxicilline, hàm lượng 500mg, ghi tên thuốc như sau: Amoxicilline 500mg.

Ghi theo tên chung quốc tế và tên thương mại. Ví dụ: thuốc có hoạt chất là Amoxicilline, hàm lượng 500mg, tên thương mại là A, ghi tên thuốc như sau: Amoxicilline (A) 500mg.

+ Thuốc thú y có nhiều hoạt chất: ghi theo tên thương mại và tên các hoạt chất chính.

- Ghi tên thuốc, nồng độ hoặc hàm lượng hoạt chất của thuốc, khối lượng, số lượng hoặc thể tích thuốc, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng nếu cần, thời gian ngừng sử dụng của mỗi loại thuốc.

- Viết số 0 (không) phía trước đối với số lượng thuốc chỉ có một chữ số (nhỏ hơn 10).

- Nội dung sửa chữa của đơn thuốc thú y phải có chữ ký của người kê đơn ở ngay bên cạnh nội dung sửa.

- Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía vị trí chữ ký của người kê đơn theo hướng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; ký tên, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn.

- Chống chỉ định, cảnh báo khi sử dụng thuốc thú y.

- Đơn thuốc thú y có giá trị sử dụng 01 lần và phải có dấu hiệu để nhận biết ngay sau khi đã sử dụng.

4. Kê đơn thuốc thú y trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Kê đơn thuốc thú y có chứa kháng sinh để phòng bệnh cho động vật

+ Việc kê đơn thuốc thú y có chứa kháng sinh để phòng bệnh cho động vật chỉ được áp dụng cho động vật ở giai đoạn con non. Việc xác định động vật ở giai đoạn con non theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP;

Việc kê đơn được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13, Điều 17, Điều 18 Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT và bảo đảm hợp lý, an toàn, hiệu quả. Đơn thuốc theo Mẫu 2 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT.

Kê đơn thuốc thú y để điều trị, điều trị dự phòng cho động vật được thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 17 và Điều 18 Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT. Đơn thuốc theo Mẫu 1 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT.

5. Kê đơn thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất

Đơn thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được lập thành 03 bản: 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật; 01 bản lưu tại cơ sở nuôi động vật; 01 bản lưu tại cơ sở cấp, bán thuốc thú y. Trường hợp đơn thuốc được kê và bán bởi chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật, đơn thuốc được lập thành 02 bản: 01 bản lưu tại cơ sở người kê đơn; 01 bản lưu tại cơ sở nuôi động vật.

Kê đơn thuốc với số lượng thuốc sử dụng không vượt quá 07 (bảy) ngày hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất và theo quy định tại Điều 13, Điều 17 và Điều 18 Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT.

Cơ sở, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật phải lập và gửi danh sách chữ ký mẫu của người kê đơn thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất của cơ sở mình đến cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh tại địa phương.

6. Kê đơn thuốc thú y có ứng dụng công nghệ thông tin

Đơn thuốc thú y được kê trên máy tính, thiết bị điện tử và lưu trên phần mềm tại cơ sở khám, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật. Đối với đơn thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cần phải in ra cho chủ động vật giữ 01 bản và lưu 01 bản tại cơ sở cấp, bán thuốc.

Cơ sở, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật phải bảo đảm việc lưu đơn thuốc thú y để quản lý, trích xuất dữ liệu khi cần thiết.

7. Lưu đơn thuốc thú y

Tổ chức, cá nhân hành nghề khám bệnh, chữa bệnh động vật, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở buôn bán thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải lưu đơn thuốc trong thời gian 02 (hai) năm kể từ ngày kê đơn.

Việc lưu đơn thuốc thực hiện một trong các hình thức sau đây:

+ Lưu bản chính hoặc bản sao đơn thuốc;

+ Lưu đơn thuốc trên phần mềm phải đảm bảo truy xuất được. Thông tin bao gồm: tên và địa chỉ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh động vật (nếu có); họ và tên của người kê đơn thuốc; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng đơn thuốc; họ tên, địa chỉ của chủ động vật, loài động vật; tên thuốc, hàm lượng, số lượng, liều dùng, đường dùng.

                                       Đoàn Anh Thi - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 1592

Tổng lượt truy cập: 3.558.265