Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 14/5/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023.

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022–2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 240/KH-SNN ngày 07/02/2023 về thực hiện Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2023 và tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng.  

Trong năm 2023, toàn tỉnh có 58 sản phẩm được công nhận từ hạng 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm hạng 4 sao và 53 sản phẩm hạng 3 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP (tăng 23 sản phẩm so với năm 2022). Trong đó có 43 sản phẩm 4 sao (gồm 2 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá, công nhận hạng 5 sao), 95 sản phẩm 3 sao. Có 76 chủ thể OCOP, trong đó có 21 chủ thể là hợp tác xã, chiếm 27,6%; 09 chủ thể là tổ hợp tác, chiếm 11,8%; 22 chủ thể là doanh nghiệp, chiếm 29,0%; 24 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh, chiếm 31,6%.

Quá trình triển khai chương trình OCOP tại tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn như ssố lượng chủ thể mới còn ít. Nhiều sản phẩm có tiềm năng, có thế mạnh nhưng chưa được phát triển và đăng ký tham gia. có khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại (13 sản phẩm). Các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sản phẩm OCOP tham gia các chuổi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít, chưa có sản phẩm xuất khẩu ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; chưa có sản phẩm OCOP 5 sao (mục tiêu 1-3 sản phẩm), sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (mục tiêu 1 – 2 sản phẩm).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng đại biểu tham quan gian gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP

Mục tieu năm 2024 là nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm 20 - 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao, hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2021 - 2023. Tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phấn đấu đến năm 2025 có 1 - 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, 1 - 3 sản phẩm OCOP 5 sao…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, khảo sát, lựa chọn ý tưởng, tư vấn hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP,  xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; triển khai các giải pháp tăng cường chuyển đổi số Chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP chủ lực từ dược liệu, thủy sản, du lịch; hỗ trợ phát triển sản xuất OCOP 5 sao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao Giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho 5 sản phẩm của 5 chủ thể

 Các sở, ngành liên quan ưu tiên hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện tiêu chuẩ hóa sản phẩm để nâng hạng sao cao hơn; nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển sản xuất sản phẩm. Tổ chức quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với các điểm, khu du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao, quảng bá du lịch của tỉnh; trong đó cần quan tâm hỗ trợ để phát triển sản phẩm 5 sao và sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP.

Các địa phương cần tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chỉ đạo UBND cấp xã tham gia vào các hoạt động của Chương trình OCOP tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn các chủ thể tham gia; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP ở địa phương, tuyệt đối không chạy theo thành tích về số lượng, làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Chương trình, thương hiệu sản phẩm OCOP với người tiêu dùng. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP theo quy định của pháp luật và quy định tại Quyết định số 357/QĐ- UBND ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh Ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Kiên quyết thu hồi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các sản phẩm không còn duy trì, đáp ứng các quy định hoặc không tham gia đánh giá lại theo quy định của Chương trình OCOP.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao Giấy chứng nhận OCOP hạng 4 sao cho 5 sản phẩm của 5 chủ thể gồm: Gạo hữu cơ Quảng Trị của Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị (TP Đông Hà); Tinh bột nghệ Curminreal của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung (huyện Vĩnh Linh); Xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị (huyện Gio Linh); Cao thảo dược gội đầu Mộc Mây của Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn (huyện Cam Lộ); Cao chè vằng Mai Thị Thủy của Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy (huyện Cam Lộ).

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 56

Tổng lượt truy cập: 3.556.729