Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chi cục đã ban hành Kế hoạch 94/KH-TTBVTV về Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Chi cục Trồng trọt và BVTV năm 2023; Công văn số 377/TTBVTV-T.Trọt ngày 8/6/2023 về việc triển khai Kế hoạch số 1046/KH-SNN ngày 05/5/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đến năm 2023, định hướng đến năm 2030.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, chỉ đạo điều hành của đơn vị rất được quan tâm, chỉ đạo sâu sát; mở rộng, nâng cấp và triển khai các hệ thống thông tin, hệ thống trang thiết bị, hệ thống mạng nhằm đưa việc ứng dụng CNTT vào nề nếp, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc được trang bị tương đối cơ bản đáp ứng được nhu cầu công việc. Năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiếp nhận 104 hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, tất cả các hồ sơ đã giải quyết, trả kết quả trước hạn, bao gồm: 18 hồ sơ nhận kết quả trực tuyến trên hệ thống và 86 hồ sơ nhận kết quả bằng BCCI; 17 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ phí, lệ phí qua Cổng dịch vụ công Quốc Gia và 87 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ phí, lệ phí trực tuyến trên hệ thống Dịch vụ Công trực tuyến tỉnh hoặc trực tuyến qua tài khoản của đơn vị.

Trên lĩnh vực Trồng trọt và BVTV đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong công tác chỉ đạo, điều hành, cũng như trong sản xuất, làm thay đổi diện mạo, phương thức vận hành, quản lý, cụ thể:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, sạch để cung cấp cho thị trường như:

- Hơn 30 nhà kính nhà lưới với diện tích 3 ha ứng dụng công nghệ cao;

- Có hơn 5.000 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm…

- Có hơn 20 mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực.

- Ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone) để phun thuốc trừ cỏ, phân bón, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, sắn, cao su… hơn 5.500 ha.

- Đã ứng dụng nhiều giống cây trồng mới, các giống cây trồng biến đổi gen… vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Trong sản xuất lúa, có hơn 95% diện tích sản xuất ứng dụng cơ giới hóa trong làm đất, 50% diện tích áp dụng công cụ sạ hàng, máy cấy, 95% diện tích thu hoạch áp dụng cơ giới hóa.

- Diện tích các loại cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn đạt hơn 1.360 ha, trong đó:  diện tích các loại cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, canh tác tự nhiên đạt 464,92 ha (lúa: 346,58 ha, các loại cây dài ngày: 118,34 ha);diện tích  sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap: 141,2 ha, theo hướng hữu cơ: 502,5 ha, an toàn thực phẩm: 255,55 ha.

- Đã cấp được 27 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại các địa phương với quy mô 2.237,075 ha, trong đó 11 MSVT phục vụ xuất khẩu gồm: 09 MSVT trên cây chuối (2.057,7 ha), 02 MSVT trên cây lúa (37,075 ha); 16 MSVT nội địa (bao gồm: 07 MSVT trên cây lúa (77,6 ha), 02 MSVT trên cây hồ tiêu (13,9 ha), 01 MSVT trên cây ném (1,5 ha), 02 MSVT trên cây an xoa (7,3 ha), 01 MSVT trên cây đậu xanh (30 ha), 01 MSVT trên cây chanh leo (02 ha), 01 MSVT trên cây lạc (05 ha), 01 MSVT trên cây thanh long (05 ha)).

Việc chuyển đổi số và cải cách hành chính nhằm xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bước đầu đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn và thử thách.

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số còn chậm, thiếu chủ động, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế do đầu tư cho chuyển đổi số chưa đạt mức cần thiết.

Thứ hai, nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số chưa thực sự đầy đủ, còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất.

Thứ ba, các Tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên sự chủ động tham gia ứng dụng công nghệ số còn thấp, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận Công nghệ số, còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.

Để thực hiện thành công chuyển đổi số gắn với phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ chính, cụ thể như sau:

Một là, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ công tin, trang thiết bị của đơn vị để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Xây dựng dữ liệu số các cấp, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở cơ quan, đơn vị.

Hai là, hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ để đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, chuẩn hóa và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số.

Lê Văn Tùng, Chi cục Trồng trọt và BVTV

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 2132

Tổng lượt truy cập: 3.238.088