Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi

       Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh, thời tiết cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 1 đến 2 cơn bão/ATNĐ; 4 đến 5 đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng và tập trung vào cuối tháng 10 đến tháng 12 kèm theo các đợt rét rét đậm, rét hại sẽ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, nguy cơ dịch bệnh xảy ra. 
Để chủ động, tăng cường công tác phòng chống đói rét, kiểm soát, khống chế dịch bệnh trong việc bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại gây ra, đồng thời bảo đảm duy trì số lượng và phát triển chăn nuôi trong thời gian sắp tới bà con chăn nuôi cần lưu ý thực hiện một số biện pháp sau

1. Đối với gia súc
* Chuồng trại
Bà con chăn nuôi cần chủ động gia cố, che chắn chuồng trại bằng bạt, tấm nilon, đảm bảo đủ ấm và kín gió (nhưng phải thông thoáng); tránh bị mưa tạt, gió lùa làm ẩm, ướt chuồng; sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô,... để lót nền chuồng. Áp dụng các biện pháp sưởi ấm cho gia súc vào những ngày rét đậm, rét hại bằng cách đốt củi, trấu, mùn cưa, hoặc thắp bóng đèn sưởi cho gia súc.
* Thức ăn
       Vào thời điểm ngập úng, bão lũ, giá rét… thức ăn xanh thường rất khan hiếm nên cần chế biến, dự trữ và bảo quản thức ăn cho gia súc như: rơm, cỏ khô, thân lá lạc, lá sắn,…thức ăn ủ chua (cỏ voi, ngô sinh khối,..), rơm ủ urê,... Ngoài ra, cần chuẩn bị thức ăn tinh như: bột ngô, bột sắn, bã sắn, cám gạo... khoáng đa lượng, vi lượng, muối, vitamin để bổ sung vào khẩu phần ăn cho gia súc. 
       Cho gia súc ăn đủ lượng thức ăn thô xanh đảm bảo 10 - 15% trọng lượng cơ thể, đồng thời bổ sung thức ăn tinh đảm bảo 1 – 1,5% trọng lượng cơ thể để gia súc đủ dinh dưỡng, năng lượng chống rét.
       Cho gia súc uống đủ nước sạch, trong những ngày giá rét cho gia súc uống nước ấm có hòa với muối với hàm lượng khoảng 9-10g/l nước ấm; giữ chân, móng khô sạch và ấm.
Đối với gia súc non, gầy yếu cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cho ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn giàu năng lượng, che chắn chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa, cung cấp thiết bị sưởi ấm cho gia súc. 
* Chăm sóc nuôi dưỡng
       Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ và thay hoặc bổ sung chất độn chuồng khi thấy nền chuồng bẩn và ẩm ướt.
Không thả rông gia súc (đặc biệt vào những ngày mưa bão, ngập lụt, rét đậm, rét hại), phải chủ động đưa gia súc lên nơi cao ráo tránh lũ lụt, nhốt trong chuồng kín gió, ấm áp khi gặp rét đậm, rét hại.
       Vào những thời điểm nhiệt độ xuống quá thấp phải sưởi ấm cho gia súc vào ban đêm. Bằng cách dùng xô, chậu cũ để đựng củi, trấu, mùn cưa,… (đảm bảo đủ ấm, không khói và an toàn cháy nổ) hoặc thắp bóng đèn sưởi cho gia súc.
       Mặc áo chống rét giữ ấm cho gia súc. Có thể sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống rét cho gia súc nhưng chú ý là nên sử dụng chất liệu bông, thấm nước. Không dùng chất liệu ni lông vì chất liệu này không thấm nước, hơi nước sẽ đọng lại và thấm ngược trở lại làm gia súc bị rét. 
      Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại văc xin phòng bệnh cho gia súc theo quy định như: Tụ huyết trùng, LMLM, Viêm da nỗi cục…; định kỳ tiêu độc khử trùng, chuồng trại bằng thuốc sát trùng, phun thuốc diệt muỗi; theo dõi sức khỏe vật nuôi hàng ngày, nếu vật nuôi có dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, để can thiệp kịp thời.
2. Đối với lợn
* Chuồng trại: Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét dưới 150C.
* Thức ăn: Cho lợn ăn, uống đầy đủ thức ăn đảm bảo dinh dưỡng để đủ sức chóng rét. Thức ăn cần bổ sung thêm chất đạm trong khẩu phần ăn (chất đạm có nhiều trong đậu tương, bã đậu, tôm, cua, cá, thức ăn đậm đặc...) đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng lứa tuổi của lợn.
* Nước uống: Cho uống đủ nước sạch, ấm, bổ sung thêm các Vitamin tổng 
hợp, men tiêu hóa trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cấn đối dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.
* Vệ sinh phòng bệnh: Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hóa chất như: Virkon, HanIodine, Benkocid, Vôi bột…; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắccin phòng bệnh cho đàn lợn như: Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh, LMLM, THT,…
* Chăm sóc nuôi dưỡng:
      Vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 150C .
       Đối với lợn con cần được sưởi ấm (lợn sữa làm chuồng úm và sưởi ấm bằng bóng đèn, củi, trấu...), che kín xung quanh chuồng trại, tuyệt đối không cho lợn con ra ngoài. 
3. Đối với gia cầm
* Chuồng trại: Cao ráo, thoáng mát, đảm bảo mật độ nuôi (gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt: 8-10 con/m2). Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.
* Thức ăn: Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Glucose, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh của gà.
* Chăm sóc nuôi dưỡng:
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.
       Gia cầm nhỏ khoảng 20 – 30 ngày tuổi chỉ nên thả vườn khi nhiệt độ ngoài trời thấp nhất là 16oC, trời tạnh ráo. 
       Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đặc biệt là: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro,…
       Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …
      Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần thường xuyên theo dõi tình trạng  vật nuôi, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện khác thường.
Lưu ý:  Bà con có thể  sử dụng tỏi, lá sả, bạch đàn, lá đại bi, bồ kết, hương nhu để phòng bệnh thay thế thuốc kháng sinh. Khi thời tiết chuyển lạnh, rét đậm dùng những lá cây này đốt ở cửa hoặc góc chuồng, xông và quạt khói vào trong chuồng nuôi để nhằm đuổi các loại côn trùng, ruồi muỗi, đồng thời phòng một số bệnh thông thường như: cảm cúm, bệnh về đường hô hấp..và tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, bà con chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi hiệu quả. Đồng thời theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi hàng ngày để có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, kịp thời phát hiện và xử lý khi vật nuôi bị ốm, chết theo quy định.


Hoàng Hương - Lê Tùng
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị 

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1683

Tổng lượt truy cập: 3.558.356