Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

HƯỚNG ĐẾN SẢN PHẨM GẠO HỮU CƠ CHẤT LƯỢNG CAO

“Năng suất tươi đạt 65 tạ/ha, sản phẩm được bao tiêu với giá lúa tươi thu mua tại ruộng là 11.000đ/kg; lợi nhuận đạt hơn 27,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 7,5 triệu đồng/ha…”. Đó là những kết quả vượt trội mà mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông xuân mang lại.

Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng trên diện tích 17,5 ha với 100 hộ tham gia, sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ nông dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí về giống, mạ khay và vật tư phân hữu cơ, chế phẩm, 50% kinh phí còn lại và các dịch vụ cấy lúa bằng máy cấy, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái được Công ty Thương mại Quảng Trị cho người dân nợ ứng trước, đối trừ vào cuối vụ. Có hợp đồng liên kết sản xuất giữa HTX và Công ty Thương mại Quảng Trị được cam kết rõ ràng giữa 2 bên về các công việc thực hiện và xử lý trên đồng ruộng. Được bảo đảm năng suất với mức 56 tạ lúa tươi/ha. Điểm mới của mô hình là lần đầu tiên đưa vào sử dụng mạ cấy 3 lá, được cấy bằng má với lượng mạ khay cho 1 ha là 445 khay, tương đương với 50 kg giống/ha; sử dụng phân hữu cơ với liều lượng 4.000 kg/ha cho vụ đầu tiên; phun chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men bằng thiết bị bay không người lái (Drone). Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, thuốc trừ cỏ. Trước khi triển khai mô hình, nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy. Tổ kỹ thuật huyện (bao gồm đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), UBND xã, Khuyến nông viên xã, thôn và Ban quản trị HTX chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu của chương trình.

 

Hội nghị tổng kết Mô hình Sản xuất lúa hữu cơ vụ Đông Xuân 2021-2022 tại HTX Kim Long – Hải Quế - Hải Lăng.

Ông Nguyễn Trímột nông dân tham gia mô hình cho biết, gia đình ông có 2 sào rưỡi đất trồng lúa. Trước đây, ông vẫn sản xuất theo tập quán cũ và luôn dùng phân bón hóa học để bón cho lúa. Trong vụ đông xuân này ông tham gia mô hình sản xuất lúa do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hợp tác cùng Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai và nhận thấy cây lúa sinh trưởng tốt, năng suất lúa tươi dự kiến đạt 3,3 tạ/sào. Mặc dù thấp hơn so với sản xuất thông thường nhưng với giá bán 11.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí ông thu lãi mỗi sào gần 1,5 triệu đồng. Theo ông Trí, làm lúa hữu cơ mặc dù có tốn công bón lót bằng phân chuồng, làm cỏ bằng tay tuy nhiên lại đảm bảo được sức khỏe cho người nông dân do hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đặc biệt, khâu gieo sạ đã được thay bằng máy cấy, phun chế phẩm được thực hiện hoàn toàn bằng thiết bị bay không người lái, giúp nông dân chúng tôi được giải phóng sức lao động”, ông Trí vui mừng cho hay.

 

Cuốn rơm tươi sau khi thu hoạch bằng máy cuốn rơm.

 Theo Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Hữu Phước, vụ đông xuân năm nay chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết bất thuận. Đầu vụ chuẩn bị làm đất để cấy, do không khí lạnh tăng cường nên mưa kéo dài gập ngập úng vùng ruộng sản xuất. Đến giai đoạn lúa đứng cái làm đòng lại gặp đợt mưa lớn dị thường, từ ngày 31/3 đến ngày 2/4, làm hàng ngàn ha lúa tại huyện Hải Lăng nói chung, ruộng mô hình nói riêng bị ngập úng cục bộ. Tuy nhiên HTX đã huy động người dân đắp đập be bờ bằng bao cát, đồng thời huy động máy bơm hút nước liên tục để cứu lúa, sau khi nước rút đã tập trung chăm sóc và phun bổ sung các dưỡng chất để lúa phục hồi giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, trổ bông kịp thời vụ, năng suất cuối cùng đạt ngoài mong đợi của bà con, ai ai cũng phấn khởi.

 

 

Gặt lúa  hữu cơ bằng máy gặt đập liên hợp.

Về những điểm mới của mô hình, theo ông Phước, ngoài việc sử dụng phân hữu cơ để bón cho lúa, mô hình còn áp dụng giải pháp gieo mạ khay và cấy bằng máy đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý cỏ dại và chăm sóc lúa, hạn chế ốc bươu vàng, hạn chế sâu bệnh hại. Qua đó tiết giảm sức lao động cho người dân trong khâu gieo sạ, chăm sóc, cơ giới hóa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, giảm lượng giống gieo từ 20 – 50 kg/ha so với gieo sạ hàng, sạ lan; từ đó tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế sau này. Bên cạnh đó, mô hình còn sử dụng chế phẩm sinh học và chế phẩm thảo mộc để phun cho cây lúa thay cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cụ thể, sử dụng đạm cá, nước thân cây lên men, canxi phốt phát xương, canxi vỏ trứng thay cho phân bón hoá học và chất kích thích sinh trưởng giúp lúa cứng cây, bộ lá có màu xanh vừa phải, hạn chế được sâu bệnh gây hại, lúa chắc hạt, tỉ lệ lem lép thấp, sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, chất lượng đậm đà, ngon hơn. Sử dụng chế phẩm thảo mộc như gừng, ớt, tỏi, thuốc lá thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật giúp cây lúa khoẻ từ bên trong, môi trường trong lành từ bên ngoài, hệ sinh thái đồng ruộng được duy trì, người sản xuất không còn lo sợ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như sản xuất thông thường trước đây. Đặc biệt, việc đưa thiết bị bay không người lái vào để phun chế phẩm đã giúp tiết kiệm nhân công, hạn chế đi lại trên ruộng, giảm sức lao động, lượng chế phẩm phun đồng đều hơn, tập trung hơn. Trong suốt vụ, cây lúa sinh trưởng phát triển khoẻ mạnh, ít sâu bệnh gây hại hơn so với ruộng thông thường, không có các đối tượng như bệnh đạo ôn, khô vằn gây hại. “Mặc dù đây là vụ đầu tiên bà con sản xuất theo phương thức này nhưng năng suất thu hoạch bình quân vẫn đạt 65 tạ/ha. Với giá bán theo cam kết thu mua của Công ty Thương mại thì lợi nhuận cuối cùng của lúa hữu cơ cao hơn so với lúa canh tác thông thường khoảng 7,5  triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, phần rơm sau khi gặt lúa tươi xong cũng được công ty thu mua, cuốn bằng máy ngay tại ruộng với giá 500.000 đ/ha, hạn chế việc đốt đòng như trước đây gây ô nhiễm môi trường. Nếu sản xuất theo phương thức này qua nhiều vụ canh tác chất đất sẽ được bồi đắp, màu mỡ hơn, về lâu dài năng suất sẽ được tăng lên qua các vụ trồng, khi đó lợi nhuận sẽ cao hơn”, ông Phước khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền đánh giá rất cao những ưu điểm của mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông xuân do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hợp tác cùng Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai thực hiện mang lại. Theo ông Hiền, trong sản xuất trồng trọt nói chung, sản xuất lúa nói riêng, nếu lạm dụng phân vô cơ sẽ đem lại tác hại như làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, diệt các tập đoàn vi sinh vật có lợi, làm cho đất bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người... Do vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo, đậm đà và có mùi thơm đặc trưng.Khi canh tác lúa hữu cơ sẽ không còn tình trạng vỏ chai thuốc BVTV vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng mà thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ, phun chế phẩm dinh dưỡng, chế phẩm thảo mộc vi sinh giúp cây lúa tăng trưởng tốt, cải tạo đất và bảo vệ sức khỏe người nông dân. “Đây là mô hình vừa thân thiện với môi trường, vừa yên tâm cho người sản xuất, vừa an toàn đối với người sử dụng do không hoàn toàn không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, đất đai được cải tạo, hệ sinh thái đồng ruộng được cân bằng. Trên cơ sở này đề nghị các địa phương có đủ điều kiện cần liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị sản xuất lúa hữu cơ. Từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và bền vững”, ông Hiền nhấn mạnh.Trên cơ sở kết quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thực hiện chương trình ở các dịa phương khác, đồng thời tuyên truyền vận động mở rộng diện tích, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân.

                                         Trần Thị Thúy - Nguyễn Hữu Khoái- TTKN

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 397

Tổng lượt truy cập: 3.220.558