Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết diễn biến bất thường, bão áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông bắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của người đi biển, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của tàu thuyền. Để giảm thiểu tổn thất về tài sản và lao động trên tàu cá trong mùa mưa bão, bà con ngư dân cần tuân thủ một số biện pháp để chủ động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, giảm thiểu rũi ro, như sau:

1. Về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trước khi ra khơi
- Đối với tàu cá có chiều dài từ 12 mét trở lên: Chỉ đưa tàu cá đi hoạt động sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, thời hạn Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực và chỉ hoạt động trong vùng biển cho phép. 
Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tàu cá, đồng thời phải kiểm tra tình hình hoạt động và trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, như: Trang thiết bị cứu sinh (phao áo, phao tròn, phao bè, can…dụng cụ nỗi phục vụ cứu sinh), cứu thủng (vãi bạt, máy bơm, nêm gỗ ), cứu hỏa (máy bơm, bình chữa cháy, chăn…); trang bị tín hiệu ( Đèn tín hiệu, đèn đánh cá, đèn neo, vật hiệu, âm hiệu……..); Hệ thống thông tin liên lạc ( Máy thu phát VTĐ, máy đàm thoại sống ngắn, máy HF tầm xa và thiết bị giám sát hành trình ( đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên), …. trước khi đưa tàu ra khơi hoạt động, lưu ý thiết bị giám sát hành trình bật, duy trì hoạt động từ lúc rời cảng đến lúc về cảng.
- Đối với Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét phải lắp đặt trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 23/2018/TT-BNPTNT, như quy định trang bị cứu sinh, Trang bị VTĐ, trang bị hàng hải, trang bị tín hiệu, trang bị cứu hảo, trang bị chống thủng, Trang bị y tế
- Bố trí thuyền viên làm việc trên tàu theo định biên an toàn tối thiểu của tàu cá theo Thông tư 22/2018/TT-BNPTNT, cụ thể: tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải có 06 thuyền viên, tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m phải có ít nhất 04 thuyền viên.
- Chủ tàu phải viết số đăng ký và đánh dấu tàu cá đúng quy định, như: tàu cá có chiều dài từ 06 đến dưới 12m sơn toàn bộ cabin tàu màu xanh, tàu cá có chiều dài từ 12-15m sơn toàn bộ cabin màu vàng, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sơn toàn bộ cabin màu ghi sáng.
- Theo quy định tại khoản 5, điều 73, Luật Thủy sản năm 2017 thì quyền và nghĩa vụ của chủ tàu là: Mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định.
2. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng sử dụng, khai thác các chức năng thông tin trên máy thông tin liên lạc để theo dõi nhằm có giải pháp tránh bão, áp thấp, gió mùa Đông bắc, công tác cứu hộ trên biển được kịp thời nhằm bảo đảm an toàn người và tàu cá trên biển, như:
Hiện nay Đài thông tin Duyên hải phát các bản tin về thông tin nghề cá, dự báo thời tiết, áp thấp nhiệt đới, bản tin bão, bản tin  an toàn hàng hải trên biển trên tần số: 7906 kHz, 8294kHz và Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin trên 730kHz, 630 kHz.
3. Những trường hợp cần hỗ trợ cấp cứu - khẩn cấp khi tàu cá đang hoạt động trên biển bao gồm: cháy nổ, đâm va, nghiêng lật, cướp biển, hỏng máy thả trôi và mất điều khiển, nước ngập, mắc cạn, tàu đang chìm, rời tàu, người rơi xuống biển, cấp cứu y tế, tai nạn lao động…(được gọi chung là các sự cố hàng hải). Khi tàu gặp một trong các sự cố, tàu cần: gọi cấp cứu, khẩn cấp tới hệ thống Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam trên tần số 7903 kHz, hoặc kênh 16 VHF. Thông tin về tàu sẽ ngay lập tức được chuyển đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực để có các biện pháp ứng cứu tàu kịp thời.
Ngoài ra, khi tàu gặp sự cố trên biển, thuyền trưởng sử dụng điện thoại di động, điện thoại vệ tinh và thiết bị giám sát hành trình liên hệ theo số điện thoại sau: 0243.7710294 - Cục Kiểm ngư; 024.37333664 - Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia; 024.39930963 - Bộ đội Biên phòng; 0243.768.3050 - Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.
Đối với tỉnh Quảng Trị liên hệ 0233.3562581 - Trực ban tác chiến của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; 0233.3562568 - Văn phòng phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Trị để được hỗ trợ, giúp đỡ.
4. Tổ chức thành các đoàn, tổ, đội…..khi đi khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẽ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản suất, hỗ trợ nhau xữ lý rủi ro trên biển, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ gia đình các tổ viên, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. 
5. Khi tiếp nhận thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, thông qua thiết bị thông tin liên lạc Chi cục Thủy sản thông báo đến các thuyền trưởng, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Khi tàu về đến bờ, Chi cục Thủy sản hướng dẫn sắp xếp tàu cá neo đậu tránh, trú bão bảo đảm an toàn như sau: 
+ Tháo dỡ các dàn đèn cao áp, dàn phơi hải sản trên tàu cá và cất giữ vào nơi an toàn.
+ Ngư cụ khai thác hải sản và các vật dụng khác trên boong tàu phải được sắp xếp gọn gàng, chằng buộc chắc chắn.
+ Sắp xếp các tàu có kích cỡ tương đương nhau neo đậu gần nhau và sử dụng dây chéo mũi, dây chéo lái phải tăng cường các đệm chống va giữa các tàu để hạn chế tối đa các va đập vào nhau gây hư hỏng tàu cá.
+ Đối với các tàu nhỏ phải kéo lên bờ, chằng buộc chắc chắn để đảm bảo an toàn.
Với những thông tin Chi cục Thủy sản vừa trao đổi ở trên, mong rằng sẽ cung cấp thêm cho bà con nhiều giải pháp để giúp bà con chủ động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. 

                                                                                                                      Lê Đức Thắng - Chi cục Thủy sản

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 676

Tổng lượt truy cập: 3.226.028