Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 Trong những năm qua, Ban quản lý Khu BTTN Đakrông (BQL) đã tổ chức khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) 05/07 xã trên địa bàn huyện với gần 20.000 ha rừng tự nhiên, qua đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Đakrông nói riêng.

Sau khi Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thì chính sách chi trả DVMTR là một bước ngoặt đối với nghề rừng cho người dân địa phương sống gần rừng, trong rừng. Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng. Chính sách chi trả DVMTR giúp người dân nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của BQL và các hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên lâm phần được BQL quản lý.

Hộ gia đình nhận khoán tổ chức tuần tra bảo vệ rừng

​Bên cạnh đó, về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội thì chính sách chi trả DVMTR đã tạo động lực cho các bên liên quan tham gia bảo vệ phát triển rừng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống, yên tâm gắn bó với rừng.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, một số thôn bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích chung của thôn như tu sửa công trình nhà văn hóa, mua sắm thêm bàn ghế. Tiền DVMTR mua cây giống để trồng rừng sản xuất và giúp cho người dân vay vốn hỗ trợ sản sản xuất phát triển kinh tế. Có thể nhận thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng.

Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng. Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, từ đó giúp ổn định an ninh, chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Biên soạn: Nguyễn Thanh Tới – BQL Khu BTTN Đakrông

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1919

Tổng lượt truy cập: 3.560.726