Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Trong những năm qua Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã xây dựng các phương án nhằm áp dụng các biện pháp kỹ thuật tác động vào diện tích rừng đặc dụng để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ, phục hồi tính đa dạng sinh học cũng như tăng cường chức năng phòng hộ của rừng. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh ”Làm giàu rừng tự nhiên”. Dự án làm giàu rừng tự nhiên năm 2022 là một nội dung trong Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 4032/QĐ-UBND ngày 31/12/2020. Quy mô công trình nâng cấp rừng trồng phòng hộ năm 2019: 64,0 ha.

Hiện trạng khu vực rừng đưa vào thiết kế “Làm giàu rừng tự nhiên” phân theo nguồn gốc hình thành là loại rừng tự nhiên lá rụng thường xanh phục hồi (IIB).

Hệ thực vật Đakrông có mối quan hệ khá đa dạng, bởi sự giao thoa phức tạp với 22 yếu tố địa thực vật trên Thế Giới, trong đó nhóm địa lý Nhiệt đới có số loài lớn nhất với 1.347 loài, chiếm 92,82% tổng số loài; Tiếp đến nhóm Thực vật gây trồng 67 loài, chiếm 4,62%; Nhóm Ôn đới 28 loài, chiếm 1,94% và cuối cùng thuộc về nhóm toàn thế giới 8 loài, chiếm 0,55%. Trong yếu tố nhiệt đới thì hệ thực vật Đakrông quan hệ mật thiết với yếu tố nhiệt đới châu Á 368 loài, theo sau Đặc hữu 222 loài, Lục địa châu Á 164 loài… Các yếu tố kể trên thì yếu tố Đặc hữu là quan trọng nhất cũng như để xác định mục tiêu bảo tồn.

 Căn cứ điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu, đặc tính sinh thái, sinh vật học của các loài cây trồng, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật hiện hành và theo đề xuất của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, các bên liên quan và người dân trong khu vực. Loài cây được chọn trồng: Giổi xanh (Michelia mediocris) và Nhội (Bischofia javanica). Cây giống có nguồn gốc xuất xứ rỏ ràng, có giấy chứng nhận của các ngành chức năng, đủ tuổi theo thời gian quy định, đạt tiêu chuẩn về chiều cao vút ngọn và đường kính cổ rễ. Cây con có bầu, không bị sâu bệnh hại, không cụt ngọn, sức sinh trưởng tốt, bộ rễ phát triển đều và không để rễ cái vượt ra khỏi bầu, đảm bảo chiều cao đạt trên 50 cm theo Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về các biện pháp lâm sinh, tiêu chuẩn xuất vườn như sau: Giổi xanh 18 - 20 tháng, D cổ rễ  >0,6 cm, H vút ngọn >60 cm; Nhội 18 - 20 tháng, D cổ rễ  >0,6 cm, H vút ngọn >60 cm.

Phương pháp trồng bổ sung mật độ 480 cây/ha (cự ly trồng: hàng cách hàng 16m, cây cách cây 1,3 m). Trong quá trình xử lý thực bì đã chừa lại những cây gỗ, cây tái sinh mục đích mọc rải rác nằm xen kẻ, không chặt phá để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển, tăng thêm độ che phủ cho khu rừng. Thời vụ trồng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022, sau khi trồng làm giàu rừng cần thường xuyên kiểm tra, bảo vệ rừng trồng. Trồng được khoảng 20 ngày tiến hành xới vun gốc những cây bị nghiêng đổ, trôi đất, cây trồng chưa đảm bảo kỹ thuật. Cây trồng Làm giàu rừng tự nhiên được chăm sóc 5 năm tiếp theo và sau đó chuyển sang giai đoạn bảo vệ rừng

Bằng việc áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh như trên, khu rừng sau khi thực hiện “Làm giàu rừng tự nhiên” cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt đáp ứng yêu cầu mục tiêu đặt ra./.

Hồ Viết Thắng – Phó Giám đốc

 Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 2181

Tổng lượt truy cập: 3.560.988