Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong một vài năm trở lại đây, Quảng Trị đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng để nâng cao thu nhập cho người dân, cố gắng thoát nghèo, vươn lên thành tỉnh có mức thu nhập trung bình.

Quảng Trị là một tỉnh thuần nông, trong đó hơn 70% dân số ở nông thôn. Với đa dạng về điều kiện địa hình, đất đai, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên tại Quảng Trị thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời, Quảng Trị là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển với diện tích hơn 20.000 ha, độ tập trung cao, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện đáp ứng các dự án đầu tư quy mô lớn.

 

Theo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trước lúc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chủ động thu hút, mời gọi các doanh nghiệpcó khả năng đầu tư liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, địa phương này đã hình thành mới hơn 100 mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghịệp với nông dân có hiệu quả, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân hàng năm đạt 3,7%, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tăng thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

 

Ngoài ra, nhiều đối tác doanh nghiệp lớn cũng đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển dự án tại tỉnh như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã hợp tác thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa trên những vùng đồi hoang trở thành hàng hóa xuất khẩu; Công ty TNHH TM Đại Nam – Nhà máy sản xuất phân bón Obi - Ong biển; Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn FLC, Tập đoàn ISE food, Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị… cũng cảm kết đồng hành với nông dân Quảng Trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Trị đã có 5 doanh nghiệp lập dự án theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 34 trang trại chăn nuôi áp dụng hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh, 1 trang trại chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VIETGAP với quy mô nuôi 18.000 con gà/năm...Và một số HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: HTX Nguyên Khang - Hải Lăng Garden (trồng rau bằng hệ thống thủy canh hồi lưu, trồng dưa lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Israel trong nhà màng với quy mô 1.000 m2); HTX Trường Sơn (Vĩnh Tú, Vĩnh Linh) sản xuất dưa lưới, rau xà lách, dưa hấu với quy mô 4.500 m2; Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Hải Ba, Hải Lăng) với tổng diện tích 120 ha với mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ...

 

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao

 

Hiện tại Quảng Trị chưa thành lập được các khu nông nghiệp, khu sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng trong 2 năm 2017 - 2018, Quảng Trị đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

 

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị: Để xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Quảng Trị đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan, bộ ngành trung ương xem xét hỗ trợ các nội dung: Xem xét bổ sung tỉnh Quảng Trị vào quy hoạch các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Hỗ trợ, giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Trị. Quan tâm hỗ trợ kinh phí, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Giá trị các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của Quảng Trị đang dần được nâng lên nhờ chất lượng sản phẩm sạch.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị đang chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, dù kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, nhưng bước đi ban đầu như thế là điều đáng mừng.

 

"Các mô hình nông nghiệp chất lượng cao đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức của nông dân, giúp họ hiểu trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng. Không những vậy, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị an toàn, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng…", Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng chia sẻ.

 

Cũng theo Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng, tỉnh Quảng Trị hiện nay đã có chủ trương giao chỉ tiêu cho mỗi huyện, thị phải xây dựng được từ 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Chiến lược lâu dài nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao...Để làm điều này, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao các ngành nghiên cứu, tham mưu để ban hành các chính sách như: Hỗ trợ thuê đất, tích tụ đất đai để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; tạo quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; xúc tiến thương mại và các chính sách ưu đãi khác để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

 

“Quảng Trị cam kết, bằng đột phá trong tư duy, hành động, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ một cách hiệu quả, tích cực nhất…”, ông Đồng nhấn mạnh.

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 536

Tổng lượt truy cập: 3.593.978