Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 27/10/2024, đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến kiểm tra tình hình ứng phó bão số 6 tại huyện Đakrông. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Theo dự báo từ các cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 6 (Trà Mi) nằm trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 88km/h), giật cấp 11. Dự báo trong ngày 27/10, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, thành phố Đông Hà, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Đakrông, Hải Lăng có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 60 -100mm, có nơi trên 120mm. Trong 24 giờ qua, khu vực Quảng Trị có mưa to và mưa rất to, đặc biệt như Cửa Việt: 277mm, Đông Hà: 276mm, Vĩnh Kim: 209,4mm, Ba Lòng: 204,6mm…

Báo cáo từ huyện Đakrông cho biết, UBND huyện đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo ứng phó bão số 6 cũng như việc ứng phó với mưa lớn diện rộng gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên địa bàn.

 

Về tình hình mưa lũ, tính đến sáng 27/10/2024, một số địa phương trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to cục bộ ở các xã Tà Long, Húc Nghì, A Bung, A Vao, Ba Nang, lượng mưa phổ biến từ 100 -210mm. Mưa lũ làm nước dâng cao gây ngập các ngầm tràn từ 0,4 - 1m, gây chia cắt nhiều điểm.

Tại cầu tràn A Ngo - A Bung thuộc tuyến Quốc lộ 15D, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, ngầm tràn Ly Tôn xã Tà Long, ngầm tràn khu tái định cư xã Húc Nghì, các ngầm tràn mực nước ngập khoảng 1,5 - 2m, cầu Đá Đỏ, xã Ba Nang ngập sâu 60cm…

Tại các điểm ngập sâu bị chia cắt, các địa phương đã triển khai lực lượng xung kích, công an, quân sự tổ chức canh gác; lập barie đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Tại thôn Trại Cá, xã Tà Long, huyện Đakrông có 203 người, 50 hộ, đã di dời 100% tài sản, người và gia súc gia cầm đến nơi tránh trú an toàn.

Qua kiểm tra thực tế một số điểm xung yếu trên địa bàn huyện Đakrông, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh diễn biến khó lường của bão số 6 có thể gây mưa lớn và kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nguy cơ sạt lở, ngập lụt ở vùng núi và thấp trũng rất cao. Vì vậy cần sớm cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là, cần chủ động triển khai các phương án ứng phó bão để hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành địa phương để điều tiết kịp thời việc tích nước và xả lũ tại các hồ thủy điện. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các phương án theo kịch bản để đảm bảo an toàn hồ đập theo quy định. Ngành Giao thông vận tải có phương án chỉ đạo khắc phục kịp thời những nơi bị sạt lở, sớm có cảnh báo giúp cho nhân dân lưu thông an toàn và tiện lợi.

Huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, thôn, xã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn. Sẵn sàng phương tiện và lực lượng di dời người dân đảm bảo an toàn khi có tình huống khẩn cấp, thường xuyên cập nhật tình hình bão lụt để cảnh báo người dân đảm bảo an toàn.

Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cảnh báo người dân ứng phó kịp thời với tình hình bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                     Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị.

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 188

Tổng lượt truy cập: 3.533.022