Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Nhằm phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngày 17/12/2021 Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-BCĐLNVSATTP, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch số 2897/KH-SNN ngày 23/112/2021 về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022. Để thực hiện kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Về hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) được tăng cường triển khai bằng nhiều hình thức và đa dạng về nội dung. Trong đó tập trung tuyên truyền về các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, hoạt động thanh tra, kiểm tra, công khai xử lý vi phạm hành chính và công tác đảm bảo ATTP ngành nông nghiệp.

Tổ chức tuyên truyền về tuân thủ điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản; chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận ATTP. Tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương, các cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn.

Thực hiện tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh; treo băng rôn, phát tờ rơi các nội dung về sản xuất, kinh doanh chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thôn, xã có vùng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trọng điểm trên địa bàn.

Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện phóng sự giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản chế biến phục vụ ngày Tết, đưa tin về hoạt động đảm bảo ATTP của ngành Nông nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Theo sự phân công của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị (Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục      Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Công thương, UBMTTQ Việt Nam tỉnh) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm kiểm tra tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với lĩnh vực phụ trách.

Việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông lâm thủy sản phục vụ Tết Nguyên Đán như thịt, giò chả, rau củ quả, thủy sản, cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản. Chú trọng kiểm soát các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh số lượng lớn. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, tập trung kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP, việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh; kiểm tra chất lượng an toàn sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thông tin nhãn mác. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định.

Tăng cường lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: Tập trung lấy mẫu kiểm tra tồn dư vi sinh vật, hóa chất cấm trong thực phẩm nông lâm thủy sản, ưu tiên những loại thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán: Kiểm tra chất tạo nạc trong thịt; hàn the, phẩm màu, vi sinh trong giò chả, các loại; thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy trắng sunfit trong rau, củ quả; focmol, ure, hàn the, kháng sinh trong thịt, thủy sản.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đảm bảo nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất được bố trí hợp lý, vệ sinh sạch sẽ tránh gây ô nhiễm cho thực phẩm. Nguyên liệu và các yếu tố đầu vào để sản xuất thực phẩm như nước, phụ gia bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trong danh mục được phép sử dụng, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định; nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm…; vật liệu bao gói không gây ô nhiễm cho sản phẩm, ghi nhãn đầy đủ thông tin, đúng quy định, phương tiện bảo quản, vận chuyển phù hợp với từng loại sản phẩm, được sắp xếp hợp lý và vệ sinh sạch sẽ. Thực hiện ghi chép sổ sách đầy đủ, kịp thời để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Duy trì các hoạt động sản xuất, chế biến vừa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vừa đảm bảo yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.  

*  Đối với người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm: Cần mua thực phẩm ở những cơ sở được chứng nhận về an toàn thực phẩm, chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, địa chỉ rõ ràng, có uy tín. Thực phẩm cần đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, thông tin nhãn mác rõ ràng. Không mua các thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu, ẩm mốc, có mùi lạ. Nên lựa chọn thực phẩm ở những nơi bán sạch sẽ, ngăn nắp, những nơi có đủ điều kiện bảo quản theo quy định của nhà sản xuất./.

Tác giả bài viết: Phạm Đình Mỹ Công

Nguồn tin: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1464

Tổng lượt truy cập: 3.219.107