Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Theo Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh tình hình tôm nuôi bị bệnh và chết xảy ra tại 7 xã, phường của 03 huyện, thành phố gồm: Vĩnh Linh, Triệu Phòng và thành phố Đông Hà với diện tích 42,62 ha bị bệnh (Vĩnh Linh: 35,9 ha; Đông Hà 6,02 ha; Triệu Phong 0,7 ha); trong đó có 10,25 ha bị bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính, số diện tích bị bệnh còn lại các hộ tự xử lý và không phối hợp lấy mẫu nên không xác định được nguyên nhân.

Để chủ động phát hiện mầm bệnh gây bệnh trên tôm nuôi và đưa ra cảnh báo sớm, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống bệnh kịp thời, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người nuôi trồng. Ngày 24/9/2024 Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng phối hợp với Chi cục Thú y vùng III; Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị đã thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi, đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể đoàn đã lấy 10 mẫu tôm và 10 mẫu nước của 10 ao (hộ) nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hải An, huyện Hải Lăng để xét nghiệm.

Bệnh Hoại tử gan tụy cấp là bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticu gây nên, Tôm thường bị bệnh chết trong giai đoạn sớm từ 7 - 35 ngày thả nuôi, tuy nhiên tôm cũng bị bệnh này vào các giai đoạn 35 - 60 ngày tuổi, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Tôm bị bệnh có biểu hiện ngừng ăn, bơi lờ đờ, tấp mé bờ, nhiều trường hợp tôm rớt đáy rất nhanh. Gan tụy của tôm sưng, nhũn, nhạt màu, hoặc gan teo (gan chai), vỏ tôm mềm, ruột ít hoặc không có thức ăn, nếu tôm thẻ thường kèm đục cơ... Dịch bệnh xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm. Bệnh xảy ra nặng hơn nếu môi trường ao nuôi xấu, ao không gây được tảo hay màu nước không ổn định, thời  tiết biến động mạnh, ao nuôi cho ăn thức ăn dư thừa. Do bệnh hường xảy ra trong tháng nuôi đầu, tôm còn nhỏ nên khó phát hiện bệnh, việc chữa trị rất khó khăn và ít hiệu quả.

Vì vậy, chủ động thực hiện các biệp pháp phòng bệnh cho tôm là biện pháp hữu hiệu nhất trong nuôi trồng thủy sản. Để phòng bệnh cho tôm thì người nuôi trồng cần thực hiện quản lý tốt môi trường nuôi, cải thiện sức khỏe tôm nuôi bằng cách tối ưu hóa chất dinh dưỡng và bổ sung các chất hỗ trợ  hệ  miễn  dịch, hạn chế sự hiện diện của mầm bệnh trong ao… Cụ thể, người nuôi cần cải tạo đầu vụ nuôi tốt bằng cách cải tạo đáy ao kỹ, lắng nước đủ lâu và xử lý triệt để, đảm bảo nguồn cấp nước nuôi sạch bệnh, xử lý nước trước khi vào ao. Trong suốt vụ nuôi giữ đáy ao sạch, thay nước khi có dấu hiệu ô nhiễm, lắp đủ quạt để đảm bảo oxy hòa tan luôn đủ,  duy trì độ mặn và nhiệt độ nước không quá cao, độ pH trong ao nuôi đảm bảo từ 7,8 – 8,2. Mực nước trong ao nuôi cũng phải ở mức thích hợp: từ 1,2 - 1,4m, luôn tiến hành định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi... Mặt khác, con giống thả nuôi phải được kiểm dịch chặt chẻ, đảm bảo không nhiễm mầm bệnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm và chất lượng nước trong ao nuôi. Khi phát hiện tôm bị bệnh cần giảm hoặc ngưng cho ăn để giảm sự phát triển của mầm bệnh, tiến hành thay nước và diệt khuẩn ao nuôi, sử dụng thuốc khánh sinh kết hợp với các loại thuốc tăng khả năng tiêu hóa, hỗ trợ chức năng gan để trị bệnh, các ao nuôi  bị bệnh phải tẩy trùng triệt để, khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết ra ngoài môi trường./.

Văn Thị Hằng- Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng

Đang truy cập: 12

Hôm nay: 1518

Tổng lượt truy cập: 3.560.325