Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là khu vực Trung Trường Sơn, nằm phía Tây của tỉnh Quảng Trị được thành lập theo quyết định 479/QĐ-UBND ngày 14/3/2007 của UBND tỉnh Quảng Trị. Với diện tích là 23.456,7 ha bao gồm 5 xã phía Bắc huyện Hướng Hóa (xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn và Hướng Linh), có tiếp giáp với biên giới nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Là vùng có địa hình cao nhất của tỉnh Quảng Trị với hai đỉnh núi cao nổi trội là đỉnh Sa Mù (1.570 m) và đỉnh Voi Mẹp (1.775 m). Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, phong phú và độc đáo; là nơi giao thoa giữa các luồng thực vật Bắc Nam, khu vực Đông Dương. Vùng rừng nơi đây còn tương đối tốt, độ che phủ trên 92,96%, nhiều kiểu sinh cảnh, kiểu thảm thực vật với nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Về động vật có 935 loài; trong đó khu hệ thú 110 loài thuộc 30 họ; chim 208 loài thuộc 49 họ, khu hệ bò sát ếch nhái 81 loài thuộc 18 họ; Cá 33 loài thuộc 17 họ; Côn trùng 503 loài thuộc 109 họ. Và có 97 loài nguy cấp, quý, hiếm với nhiều loài đặc hữu của khu vực Trung Trường Sơn như Thỏ vằn (Nesolagus timinsi), Vượn siki (Nomascus siki), Vọoc Hà tĩnh (Trachypithecus hatinhensis), Tê tê Java (Manis javanica),Vọoc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus), Rùa hộp trán vàng miền trung (Cuora bourreti), …

Nhằm tiếp tục bảo vệ tốt tài nguyên đa dạng động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung, cũng như Khu bảo tồn nói riêng theo chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát các chương trình hành động theo Phương án Quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt theo Quyết định số 4033/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị.

(1).Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng; đặc biệt phối hợp nhịp nhàng với Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Bắc Hướng Hóa để thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học: tổ chức tuần tra kiểm tra rừng; ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về động vật rừng; sử dụng nhiều giải pháp tuyên truyền sâu rộng hướng đến nhiều đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã.

(2).Phối hợp với các chương trình dự án để duy trì các Đội tuần tra tháo gỡ bẫy chuyên sâu, dựa vào cộng đồng nhằm ngăn chặn, phát hiện và loại bỏ các nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như môi trường sống của các loài động vật.

(3).Xây dựng các kế hoạch hàng năm, giai đoạn để điều tra, đánh giá tổng thể cũng như chi tiết tài nguyên động vật có trong khu vực quản lý. Chú trọng điều tra các loài nguy cấp, quý, hiếm; từ đó đề ra các biện pháp bảo vệ, bảo tồn sát với thực tế, đảm bảo hiệu quả.

(4).Ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình điều tra như sử dụng máy bẫy ảnh kỹ thuật số để có những hình ảnh, tư liệu thiết thực về sự tồn tại của các loài động vật trong Khu bảo tồn. Là tiền đề để xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, học tập.

(5).Xây dựng các mô hình thí điểm nuôi một số loài động vật để bảo tồn, các loài có giá trị kinh tế cao nhằm nhân rộng để phát triển làm giảm bớt sự khai thác ngoài tự nhiên. Đồng thời định hướng hình thành trung tâm để cứu hộ các loài động vật bị ảnh hưởng do nạn săn bẫy bắt, buôn bán động vật trong khu vực.

(6).Kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác nghiên cứu, điều tra tính đa dạng sinh học trong khu vực; tập trung nghiên cứu các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng.

 Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học nói chúng, bảo tồn động vật hoang dã nói riêng; Ban quản ý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa rất cần sự quan tâm tạo điều kiện, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp trên; sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương. Để tiến tới ngày càng giữ ổn định tính đa dạng sinh học trong khu vực; bảo vệ tốt “Ngôi nhà chung” cho các loài động vật hoang dã sinh sống và phát triển.

Trần Văn Hùng – Phụ trách Phòng Truyền thông, du lịch và DVMTR,

BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Đang truy cập: 36

Hôm nay: 1848

Tổng lượt truy cập: 3.555.523