Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và nguồn gen sinh vật rừng; đặc biệt trong thời kỳ kỷ nguyên số và xu hướng xã hội hóa nghề rừng hiện nay. Ngoài hình thức tổ chức tuyên truyền bằng phương pháp truyền thống như họp thôn tuyên truyền vận động bà con nhân dân thôn/bản, tổ chức ký cam kết bảo vệ, phát tờ rơi và sử dụng phương tiện tuyên truyền lưu động bằng hai thứ tiếng… Nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật Lâm nghiệp, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm, năm 2024 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã áp dụng Đổi mới công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”.

 Với phương pháp “Lấy người dân làm trung tâm” thông qua việc xử lý các tình huống vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp thường gặp trong đời sống hàng ngày của từng cộng đồng dân cư; từ đó cụ thể hoá và đưa các quy định của pháp luật đến gần với người dân hơn. Các nội dung của các đợt tuyên truyền luôn được cán bộ Ban quản lý chú trọng, chuẩn bị đầy đủ, phù hợp với từng cộng đồng dân cư. Cụ thể:

Bước 1: Giới thiệu về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

Bắt đầu mỗi đợt tuyên truyền sẽ tiến hành giới thiệu về các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng nhận khoán cộng đồng tại thôn/bản bằng các hình ảnh, clip ngắn. Mục đích của hoạt động sẽ tạo ra sự chú ý, tập trung theo dõi của người dân thay vì cách thức "đọc" phổ biến các văn bản theo lối truyền thống. Các hình ảnh sinh động về những loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm; đặc biệt là các loài có phân bố tại địa phương, khu vực cũng được giới thiệu, trao đổi và chia sẽ với người dân.

Bước 2: Thảo luận các chủ đề, tình huống vi phạm

Cán bộ truyền thông sẽ đưa ra những quy định, hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp thường gặp gắn với đời sống hàng ngày để người dân tham gia cùng trao đổi, thảo luận thông qua hình thức chia các nhóm. Nội dung tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, PCCCR và các tình huống dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp thường gặp trong đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư. Ví dụ: những hành vi/hoạt động nào liên quan đến động vật hoang dã được cho là trái pháp luật và biện pháp xử lý theo quy định hiện hành? hay những hành vi vi phạm theo trào lưu đang phổ biến như đăng tải lên mạng xã hội, facebook về săn bắt, quảng cáo, rao bán các loài động thực vật hoang dã với nhiều mục đích khác nhau,… Mọi người tham gia tại buổi tuyên truyền tiến hành thảo luận nhóm và trình bày các giải pháp, phương án được người dân hiểu theo từng hành vi vi phạm pháp luật cụ thể theo từng câu hỏi/tình huống nêu ra.

Bước 3: Củng cố nội dung tuyên truyền cho người dân

Sau mỗi câu hỏi/tình huống, cán bộ Ban quản lý sẽ đưa ra đáp án. Tiến hành chia sẽ, giải thích chi tiết hơn, đưa ra những chế tài xử phạt vi phạm theo các quy định của pháp luật hiện hành; tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng tham gia.

Thực tiễn việc “Đổi mới trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” được cán bộ Ban quản lý thực hiện với vai trò củng cố và thúc đẩy tạo động lực để người dân tham gia phát huy hết sự hiểu biết của mình về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, PCCCR. Tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong các cộng đồng dân cư, thu hút được đông đảo người dân tham gia về thành phần, số lượng một cách tích cực. Trong tháng 6 năm 2024, Ban quản lý đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan áp dụng đổi mới trong công tác tuyên truyền tại 05 cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Ka Tiêng-Tà Rùng và thôn Xa Đưng (xã Hướng Việt), thôn Cuôi - Cựp và thôn Tri (xã Hướng Lập) thu hút hơn 240 lượt người tham gia. Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ cộng đồng dân cư Ban quản lý đã tiến hành nhân rộng; tính đến hết tháng 10 năm 2024 đã tổ chức được 34 đợt tuyên truyền trên 18 thôn/bản, thu hút hơn 2.192 lượt người tham gia. Kết quả đã tạo được sự đồng thuận, trách nhiệm của người dân địa phương được nâng lên, hưởng ứng cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học trong khu vực, không để xảy ra vi phạm trong diện tích được giao quản lý.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác đổi mới tuyên truyền, trong thời gian tới cũng như các năm tiếp theo; Ban quản lý sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục đưa pháp luật đến tận từng người dân nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính làm chủ của Nhân dân nhằm hướng đến thực hiện tốt vai trò “Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân”.

Trần Đăng – Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, 

Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa

Đang truy cập: 34

Hôm nay: 2055

Tổng lượt truy cập: 3.555.728