Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Quảng Trị,  là tỉnh có diện tích cây ăn quả có múi ít so với các tỉnh miền trung cũng như cả nước, diện tích hiện nay khoảng hơn 400 ha được phân bố rải rác khắp các huyện với quy mô hộ gia đình, chủ yếu là các giống địa phương và các giống nhập từ các tỉnh khác. Trong những năm gần đây, cây ăn quả nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng là loại cây ăn quả đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất và đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, một số hiện tượng và tác động của biến đổi khí hậu đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh như hạn hán, bão lụt với tần suất ngày càng nhiều và không theo quy luật đã gây những tổn thất lớn cho con người, đất đai và cây trồng.


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn và các cơ quan chuyên môn, năm 2021 được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn. Đặc biệt là vào mùa khô hạn, rút ra bài học kinh nghiệm từ các đợt hạn hán trong mùa khô những năm trước. Nhằm khắc phục ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hạn hán gây ra, bà con nông  dân trồng cây ăn quả trên địa bàn phải có các bước chuẩn bị và biện pháp chăm sóc vườn cây ăn quả hợp lý để đảm bảo sự phát triển của cây, nhằm hạn chế tối thiểu những thiệt hại về thời tiết và khí hậu có thể xảy ra trong mùa khô là cần thiết.
Chúng tôi giới thiệu đến bà con nông dân một số biện pháp cần làm để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và bảo vệ vườn cây ăn quả trong mùa khô hạn.
+ Giữ ẩm cho đất trong mùa khô hạn: Mùa khô hay mùa hạn thường xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, cây ăn quả thiếu nước sẽ phát triển kém, héo úa và có thể chết khô. Do đó, cần phải đảm bảo đủ lượng nước cung cấp cho cây trong suốt mùa khô hạn.
Để đủ nước cho cây, cần phải giữ ẩm cho đất. Có 2 việc cần làm để giữ ẩm cho đất:
- Cải thiện kết cấu đất: Để đất có thể giữ được 1 lượng nước nhất định bên trong, đất cần phải có một kết cấu tơi xốp, thông thoáng, giàu mùn hữu cơ. Phải như là một miếng bọt biển hút và giữ nước lại bên trong. Bởi nếu đất có kết cấu nén chặt, nhiều sét, chai cứng, thiếu hữu cơ thì lượng nước tưới vào sẽ chỉ thấm được một lượng rất nhỏ, còn lại sẽ chảy tràn trên bề mặt và bốc hơi. 
Để cải thiện kết cấu đất, người làm vườn cần thực hiện các biện pháp như: Tăng cường bón các loại phân hữu cơ cho đất như phân chuồng, phân xanh, phân trùn,… và các chất hữu cơ khác. Trồng các loại cỏ, cây họ đậu, cây bụi trong vườn để lấy sinh khối hữu cơ, làm phân ủ.
- Che phủ đất: Là một biện pháp bắt buộc để giúp cây trồng vượt qua mùa khô hạn. Việc che phủ đất sẽ giúp hạn chế nước trong đất bốc hơi nhanh dưới ánh mặt trời. Cũng như giúp nước mưa, nước tưới thấm sâu vào đất, tránh chảy tràn trên mặt gây lãng phí nước.
* Có 2 cách che phủ đất là che phủ bằng thảm thực vật xanh và che phủ bằng phế phụ phẩm nông nghiệp.
Đối với các vườn trồng cây lâu năm thì che phủ bằng thảm thực vật là cách làm hiệu quả nhất. Bởi, ngoài việc giúp đất duy trì độ ẩm, hạn chế thoát hơi nước thì rễ cây cỏ còn giúp cải thiện cấu trúc đất.
Một số loại cây cỏ nên giữ và trồng trong vườn để che phủ đất như: Cỏ bản địa, cỏ xuyến chi, cỏ vetiver, các loại cây cỏ họ đậu,…Hoặc có thể sử dụng rơm rạ, bèo, lá khô hay tàn dư cây hoa màu vụ trước,… để phủ xung quanh gốc.
+ Bón phân và cắt tỉa cành trong mùa khô hạn.
- Bón phân: Mùa khô là thời điểm các loại cây ăn quả tích lũy dinh dưỡng để ra hoa kết trái. Do đó cây đòi hỏi một lượng nước và dinh dưỡng đủ cho cây sử dụng. Để cung cấp dinh dưỡng cho cây, người trồng cây ăn quả nên bón các loại phân hữu cơ, phân vi sinh. Lưu ý, phân hữu cơ như phân chuồng nên được ủ hoai với nấm Trichoderma; Không bón những loại phân chứa nhiều đạm. Bên cạnh đó, có thể phun thêm các loại phân bón lá dạng amino để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây mà không cần trải qua quá trình chuyển hóa.
Đối với những vùng đất nhiễm mặn vào mùa khô hạn có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Magiê, Silic… giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã. Các ion này có khả năng điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây.
Đối với vườn cây đang đậu quả non hoặc quả đang trong giai đoạn phát triển nên phun phân bón lá có chứa Ca, Cu, B, Zn để tránh hiện tượng nứt quả. Không nên bón phân có chứa Natri  và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây.  
- Cắt tỉa cành: Trong giai đoạn này, việc cắt tỉa cành, tạo tán sẽ giảm thoát hơi nước qua lá và nhu cầu cần nước của cây; Cũng như giúp cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp. Bà con nông dân nên cắt tỉa những cành vô hiệu, cành bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, đồng thời tỉa bớt hoa và quả non, nên cắt tỉa sớm, tránh tỉa cành vào những ngày nắng nóng (Lưu ý: Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái)
+ Người trồng cây ăn quả cần đề phòng những cơn mưa trái mùa trong mùa hạn.
Trong tình hình thời tiết không còn phân chia theo quy luật hai mùa mưa nắng rõ rệt như trước đây, thay vào đó là những cơn mưa trái mùa có thể gây ra những thiệt hại không nhỏ cho các vườn cây ăn quả, nhất là các vườn trong giai đoạn xử lý ra hoa, đậu quả non hoặc quả đang phát triển. Khi mưa trái mùa xảy ra, cần chú ý triển khai thực hiện một số biện pháp kỹ thuật sau: 
- Sau mưa cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, từ đó đề ra kế hoạch để khắc phục tác hại của các cơn mưa trái mùa gây ra cho vườn cây.
- Đối với những vùng đất thấp, dễ bị ngập úng thì cần đào các rảnh nhỏ trên líp để nước thoát nhanh xuống mương, tránh được hiện tượng ngập úng cục bộ.
- Cần chuẩn bị máy bơm nước và các dụng cụ cần thiết để nhanh chóng bơm nước ra khỏi vườn nếu vườn đang trong tình trạng xiết nước để xử lý ra hoa.
- Đối với những vườn cây ăn quả đang trong giai đoạn xử lý khô hạn để tạo mầm hoa thì nên sử dụng màng nilon không thấm nước làm mái che trên mặt líp trồng cây, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của các cơn mưa trái mùa đến hiệu quả xử lý ra hoa.
- Đối với những vườn đang ra hoa mang trái non khi gặp những cơn mưa trái mùa (thường có axít) sẽ làm rụng hoa và trái non. Do đó, sau mưa axit cần xử lý tưới xả lên toàn bộ cây để hạn chế tác hại của mưa axit làm cây không ra hoa hoặc rụng hoa.
- Đối với những vườn đang ra hoa mà bị ảnh hưởng từ nhẹ đến trung bình thì nên tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa Bo hoặc các chất điều hòa sinh trưởng như NAA, GA3 sẽ có tác dụng giảm rụng quả và tăng tỷ lệ đậu quả.
- Đối với những vườn đang ra hoa mà bị ảnh hưởng gần như toàn bộ (cây không thể ra hoa được) thì nên có kế hoạch chăm sóc, dưỡng cây để chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp.
- Ngoài ra, những đợt mưa trái mùa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh thối trái, thán thư…phát triển và gây hại. Do đó, có kế hoạch phòng trừ bệnh hại cho vườn cây ngay sau khi các cơn mưa trái mùa.
Vào mùa khô là thời điểm cây tích lũy dinh dưỡng để ra bông, trái, yêu cầu về lượng nước rất quan trọng, những vùng trồng cây ăn trái phải đảm bảo được lượng nước tưới. Bà con có thể sử dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm, sử dụng giải pháp tủ gốc, bón phân hữu cơ, giảm được lượng bốc hơi nước, duy trì độ ẩm...
+ Phòng trừ sâu bệnh trong mùa khô hạn.
Với các vườn cây ăn quả, trong mùa khô hạn sẽ xuất hiện một số loại sâu bệnh hại phổ biến như bọ xít muỗi, bọ trĩ, nhện đỏ, rầy, rệp sáp, sâu vẽ bùa, sâu đục trái,… và các bệnh do nấm xuất phát từ vết chích của côn trùng.
Để phòng trừ bệnh cho các loại cây ăn quả trong mùa nắng nóng, bà con nông dân cần:
- Thường xuyên thăm kiểm tra vườn để phát hiện sâu bệnh kịp thời.
- Chủ động phun phòng sâu, côn trùng định kỳ bằng các biện pháp sinh học.
- Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, ong, bọ rùa, bọ ngựa,…

 

                                         Chăm sóc vườn cam tại xã Cam Nghĩa – Cam Lộ

Dương Hồng Phong - Trạm KN Cam Lộ

 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1195

Tổng lượt truy cập: 3.560.002