Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển các cây trồng đem lại hiệu quả, kinh tế cao, cây sen trở thành một trong những cây trồng đem lại thu nhập chính cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là vùng huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong. Từ chỗ trồng nhỏ lẽ, manh mún nhưng do giá trị lợi nhuận cao nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, sen Quảng Trị đã có chỗ đứng trên thị trường toàn quốc, do nguồn giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng nên chất lượng sen được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, khi diện tích trồng sen phát triển đại trà thì tình hình sâu bệnh trên cây sen cũng phức tạp. Một số bệnh làm cho cây sen chết hàng loạt, không ra hoa kết hạt như bệnh thán thư, bệnh thối bông, thối lá...

Nguyên nhân mỗi bệnh là do các loại nấm khác nhau gây ra, ví dụ như: Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum, bệnh thối rễ củ do nấm Fusarium sp và nấm Pythium sp, bệnh thối thân do nấm Phytophthora sp gây nên.

Theo kết quả nghiên cứu của Trường y tế cộng đồng tỉnh Đồng Tháp, cũng như các nghiên cứu khác, những loại nấm này phổ biến khắp các vùng miền, nó sinh trưởng phát triển không chỉ ở trên cây sen mà có ở các loại cây ăn trái, cây công nghiệp, cây hoa màu khác.

Tuy nhiên do đặc điểm của cây sen là sống ở dưới nước nên khi phát hiện ra bệnh thì việc điều trị rất khó khăn, nguyên nhân gây bệnh là nấm tồn dư trong đất, trong nguồn nước, bệnh phát tán do côn trùng, gió, con người và đặc biệt là ngộ độc hữu cơ.

Ở xã Triệu Sơn huyện Triệu Phong, có ông Lê Văn Hào, người đầu tiên nhân rộng mô hình sen và phát triển ra các vùng lân cận từ năm 2012, đến năm 2017-2018, cây sen đã bị các bệnh trên. Mặc dù ông đã ông đã rất chịu khó tìm hiểu học hỏi và tiếp cận nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng hiệu quả đạt được không cao. Theo ông Hào chia sẽ: Với tổng diện tích quản lý gần 10ha, ban đầu ông thường mua các loại thuốc kháng sinh diệt nấm trên thị trường để về trị khi cây bị bệnh, nhưng chỉ có hiệu quả trong 3-4 ngày khi ruộng khô, cho nước vào cây lại chết, nếu làm liên tục 3-4 đợt thì có hiệu quả nhưng do đặc điểm ruộng sen thường trũng sâu, mỗi lần tháo nước và cho nước vào rất tốn kém, lại phụ thuộc nguồn nước, không đảm bảo thời vụ. Năm 2019, tình cờ ông đọc được tài liệu về men vi sinh vật bản địa IMO (Indigenous Micro Organism), ông đã mày mò thử nghiệm trên nhiều chân ruộng khác nhau và có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của ông Hào thì tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh, bởi vì khi phòng bệnh là tiêu diệt mầm bệnh ngay từ đầu, chi phí mua chế phẩm lại thấp. Men vi sinh bản địa phải cấy gốc từ bản địa của mình, chủng loại vi sinh vật tiêu diệt được nấm bệnh ở địa phương đó. Sau khi làm đất, bón phân hữu cơ, lân, vôi xong rút nước cạn khoảng từ 5-10cm, dùng chế phẩm vi sinh vật bản địa đã lên men (IMO3) tưới đều lên ruộng với liều lượng 10-15 lít/sào 500m2. Lưu ý nên tưới/phun vào buổi chiều, ruộng nước mát để không làm chết vi sinh vật và cho vi sinh vật thích nghi, phát triển dần trong đêm.

Đối với chân ruộng bị bệnh sau khi trồng thì ta sử dụng chế phẩm IMO3, sau 3-4 ngày cây phát triển trở lại, sau 5-6 ngày tiếp tục dùng lần 2, liên tục ít nhất 3 lần, ở những chân ruộng sâu từ 20cm trở lên phải tăng liều lượng. Bởi IMO3 có đặc điểm phát triển trong môi trường đất, nước, tiêu diệt các nấm bệnh có hại, đồng thời bám phủ lên cây trồng, không tạo cơ hội cho các nấm bệnh phát triển trên cây.

Cách để bẫy vi sinh vật bản địa IMO như sau: Nấu cơm để nguội vo thành viên tròn bỏ vào ống tre hoặc bình sành sứ, đậy bằng giấy/vải sạch, chôn ống tre hoặc bình sành sứ trong trong vùng đất rừng, hoặc vườn có bóng cây ở độ sâu 20-30cm, đất phải sạch có mùi thơm. Sau 5-7 ngày, thu cơm đã chôn (Nếu xuất hiện lớp mốc trắng, cơm chuyển màu vàng, có mùi thơm rượu). Trộn đều đường với cơm đã chôn theo tỷ lệ: 1:1. Cho vào bình sành hoặc hộp đựng bằng thủy tinh, nhựa, đậy bằng giấy sạch trong thời gian 10 ngày ta thu được mứt IMO (Có thể bảo quản được 1-2 năm).

Cách làm IMO3: Trộn đều: 1 phần mứt IMO (hoặc IMO3 đã lên men) + 1 phần đường nâu (hoặc mật mía hoặc cám gạo) + 50 phần nước sạch, lên men trong khoảng 3-5 ngày (tùy theo nhiệt độ) thu được IMO3. Sử dụng chế phẩm IMO3 này để xử lý chân ruộng bị bệnh với liều lượng, cách thức như trên.

Trần Thị Thúy - TTKN

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 377

Tổng lượt truy cập: 3.592.755