Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kiểm tra thực trang và giải pháp nâng cao năng lực công trình trạm bơm Mò Ó, huyện Đakrông

Ngày 13 Tháng 12 năm 2023, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị do đồng chí Hồ Xuân Hòe, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTTN làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Đakrông. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở, Chi cục Thủy lợi, Chi  cục Trồng trọt và BVTV, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra thực trạng và bàn giải pháp khắc phục, sửa chữa công trình trạm bơm Mò Ó.

Công trình trạm bơm Mò Ó được đầu tư xây dựng năm 2001, đưa vào khai thác sử dụng năm 2004, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 151 ha đất canh tác (trong đó lúa 02 vụ 92ha, màu 59 ha) của xã Mò Ó, huyện Đakrông. Công trình sau khi hoàn thành bàn giao cho địa phương quản lý (năm 2004). Quá trình quản lý, vận hành do lực lượng quản lý không được đào tạo bài bản, chi phí quản lý, vận hành hàng năm cao (chủ yếu là chi phí tiền điện), trong khi đó ngân sách địa phương không đáp ứng, diện tưới tưới ít nên thu không đủ bù chi…, do đó công trình không phát huy hiệu quả như thiết kế, có nhiều năm công trình không vận hành do không có kinh phí. Để đảm bảo công trình vận hành có hiệu quả, từ tháng 5/2012 đến nay trạm bơm Mò Ó được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý, vận hành.

Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, 01 máy bơm bị hỏng động cơ, các ống hút, ống xả bằng thép bị gỉ rét; hệ thống kênh mương công trình được xây dựng khá lâu, thời gian vận hành khai thác dài, trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, tác động mạnh của mưa, lũ, kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm không có nên một số hạng mục công trình đã xuống cấp hư hỏng trầm trọng; một số máy đóng mở cống lấy nước đầu kênh bị hư hỏng không sử dụng được. Do đó, năng lực tưới tiêu của công trình chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với công suất thiết kế. Hiện nay, công trình chỉ thực hiện bơm tưới cho 25ha lúa nước 02 vụ và 0,5 - 01ha dưa hấu. Đối với diện tích trồng hoa màu còn lại không tưới được bà con đã chuyển sang trồng cây sắn (do trồng cây sắn không sử dụng nước tưới). Theo kế hoạch mỗi vụ tưới khoảng 8-10 đợt tưới, mỗi đợt từ 7-10 ngày (tưới 3 ngày nghỉ 4-7 ngày). Thực tế do địa hình khu tưới cao, có độ dốc lớn nên rất khó lấy nước tự chảy. Để lấy nước người dân phải đặt các máy bơm tạm, bơm nước trực tiếp từ kênh chính vào ruộng dẫn đến mực nước trong kênh chính rất thấp, nên vùng ruộng cuối kênh đa phần bỏ hoang không sản xuất do không có nước tưới. Mặt khác, vùng này chủ yếu đất pha cát, nên tổn thất nước do thấm, ngấm trên đồng ruộng cao, vì vậy, số đợt tưới trong mỗi vụ khoảng từ 14-16 đợt, mỗi đợt từ 4-5 ngày (tưới 1-2 ngày, nghỉ 3 ngày).

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Hồ Xuân Hòe kết luận: Hiện nay, tại địa bàn xã Mò Ó còn khoảng 125 ha đất hoa màu liền vùng với khu vực thuộc diện tưới của công trình có thể quy hoạch trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao giúp nâng cao thu nhập cho người dân nhưng gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới. Vì vậy về lâu dài, để công trình trạm bơm Mò Ó phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời để tạo điều kiện cho nhân dân có điều phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại xã Mò Ó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao đơn vị chuyển môn phối hợp với địa phương thực hiện một số nội dung sau:

* Giải pháp công trình

- Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành khảo sát đánh giá lại hiện trạng công trình, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; giải pháp để chống bồi lấp kênh dẫn và bể hút trạm bơm Mò Ó do mưa lũ gây ra hằng năm để có biện pháp nâng cấp đồng bộ công trình.

- Hỗ trợ, phối hợp với địa phương quy hoạch, san ủi, cải tạo đồng ruộng bằng phằng tạo thuận lợi cho việc lấy nước tự chảy tối đa vào ruộng. Khắc phục tình trạng người dân phải tự bợm nước từ kênh vào ruộng gây lãng phí tiền điện và gây khó khăn cho việc điều tiết mực nước trên kênh.

* Giải pháp tổ chức sản xuất

- Phối hợp, liên kết với Trung tấm giống nông nghiệp, tổ chức sản xuất cây Lạc hoặc theo hình thức xen canh Lạc, Sắn trên vùng đất thiếu nước.-

- Kết nối với Trung tâm khoa học nông nghiệp Bắc Trung Bộ phát triển cây Lạc giống vụ Hè Thu.

- Một số vùng đất thiếu nước vụ Hè Thu, đề nghị thử nghiệm và phát triển một số cây trồng mới như: Atiso, đậu xanh…

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 48

Tổng lượt truy cập: 3.569.997