Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Khu bảo tồn biển (KBTB) đảo Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao. Đến nay các nghiên cứu đã ghi nhận được 954 loài sinh vật biển, trong đó có 133 loài thực vật phù du, 97 loài động vật phù du, 136 loài san hô, 182 loài cá rạn san hô, 302 loài động vật đáy, 96 loài rong biển, 01 loài cỏ biển và 06 loài thực vật ngập mặn. Trong các đối tượng phân bố tại KBTB đảo Cồn Cỏ, hàu Răng cưa (Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758) là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế, được xem là một trong những loài đặc trưng.

 

Hàu Răng cưa là loài động vật nhuyễn thể thuộc lớp thân mềm hai mảnh vỏ có kích thước cơ thể rất lớn, thịt hàu rất giàu chất dinh dưỡng, hàm lượng protein trong cơ thịt chiếm tỷ lệ 67,8-89,6%. Do vậy, hàu Răng cưa hiện đang là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, một món ăn không thể thiếu của du khách khi đến đảo Cồn Cỏ. Từ năm 2017 đến nay, hàu Răng cưa ở KBTB đảo Cồn Cỏ và khu vực lân cận được khai thác nhiều để phục vụ khách du lịch đến đảo. Món ăn được làm từ thịt loài hàu này được xem là đặc trưng khi đến đảo Cồn Cỏ của du khách. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ hàu Răng cưa ngày càng cao, sức ép lên khai thác loài này ở KBTB đảo Cồn Cỏ ngày càng lớn. Việc xây dựng giải pháp quản lý khai bền vững hàu Răng cưa ở khu vực này là vấn đề cấp thiết.

Cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu, khảo sát về hàu Răng cưa, đặc biệt là hiện trạng khai thác và phân bố. Vì vậy, việc đánh giá hiện trạng nguồn lợi: mật độ, trữ lượng, sản lượng khai thác và phân bố của hàu Răng cưa ở KBTB đảo Cồn Cỏ làm cơ sở cho quản lý khai thác, bảo vệ, và đề xuất giải pháp phát triển nguồn lợi loài thủy sản có giá trị kinh tế này.

Mới đây ThS. Trần Khương Cảnh (PGĐ Ban Quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ) và các cộng sự đã thực hiện chuyên đề nghiên cứu về nội dung này. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023, gồm 02 nội dung chính: (i) Đánh giá hiện trạng khai thác và (ii) phân bố của hàu Răng cưa (Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758) tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu ghi nhận rằng:

Mật độ hàu Răng cưa phân bố ở vùng biển thuộc KBTB đảo Cồn Cỏ khá cao, trung bình đạt 0,13 cá thể/m2. Trong mỗi phân khu chức năng, mật độ phân bố của hàu Răng cưa có xu hướng tăng theo độ sâu. Đá và san hô là hai loại nền đáy phù hợp với hàu Răng cưa.

Trử lượng ước tính số lượng cá thể hàu Răng cưa có kích thước từ chiều dài vỏ từ 5cm trở lên phân bố trong các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tại thời điểm tháng 7/2023 là trên 05 triệu cá thể.

Hàu Răng cưa khai thác ở vùng biển thuộc KBTB đảo Cồn Cỏ có khối lượng trung bình 1,94±0,51 kg/cá thể và chiều dài trung bình là 16,7±3,2 cm. Mùa vụ khai thác hàu Răng cưa từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Khu vực khai thác chính là phân khu Dịch vụ - Hành chính của KBTB đảo Cồn Cỏ.

Phương tiện khai thác chủ yếu là thuyền nan, thuyền composite nhỏ có gắn máy dầu diesel công suất 8-12 CV. Hàu Răng cưa thường được khai thác bằng tay hoặc sử dụng các công cụ như búa nhỏ, xà beng, dao lặn.

Sản lượng hàu Răng cưa được khai thác trong năm 2023 là khoảng 8.000 cá thể, ước lượng khoảng 16 tấn. Mỗi cá thể hàu được ngư dân khai thác bán cho các nhà hàng trên đảo với giá dao động từ 25-45 ngàn đồng/cá thể sống; các nhà chế biến và bán phục vụ du khách với giá 70 -100 ngàn/cá thể hàu, chiếm hơn 50% giá đặt suất của du khách. (Bình thường du khách đặt suất khi ra du lịch ở Cồn Cỏ khoảng 150 ngàn/suất gồm khoảng 7 món, trong đó riêng món hàu Răng cưa đã chiếm hơn 50%).

Hàu Răng cưa được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu ẩm thực tại đảo Cồn Cỏ, có một tỷ lệ nhỏ được vận chuyển vào đất liền tiêu thụ theo hình thức làm quà tặng.

Hiện tại so với trử lượng ước tính, việc khai thác hàu Răng cưa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách khi đến Cồn Cỏ (trung bình khoảng 6000 du khách/năm tính từ 2017-2023) đang ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên gần đây có hiện tượng các hộ ngư dân tham gia khai thác loài hàu này đang có xu hướng gia tăng khai thác để đưa vào đất tiêu thụ, làm giảm tính đặc trưng vốn có của loài này tại đảo đồng thời góp phần giảm nguồn lợi loài này nhanh chóng. Chính vì Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cần sớm phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ ban hành các quy định hạn chế và thành lập tổ Đồng quản lý khai thác bền vững loài hàu này giữa cơ quan chức năng và các hộ ngư dân khai thác hàu Răng cưa trên đảo, nhằm góp phần Bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu này.

Cũng theo ông Cảnh, việc thành lập Tổ đồng quản lý và khai thác với những quy định cụ thể như: thành lập tổ ngư dân được phép khai thác hàu phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách ngay tại đảo; hạn chế tối đa việc khai thác để đưa vào đất liền tiêu thụ, làm giảm nhanh nguồn lợi cũng như làm giảm tính đặc trưng vốn có của Cồn Cỏ; tổng số lượng cá thể hàu được khai thác tối đa/năm; khu vực được phép khai thác, mùa vụ khai thác; ngư cụ và cách thức khai thác…vv. Các quy định đó được giám sát thực hiện nghiêm túc, có như vậy hàu Răng cưa Cồn Cỏ mới được giữ lâu dài, góp phần phát triển kinh tế du lịch của huyện đảo Cồn Cỏ cũng như bảo tồn đa dạng sinh học loài và nguồn gen quý hiếm này.

                                                                                                                                        Tin: Trần Khương Cảnh

                                                                                                                           Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Đang truy cập: 35

Hôm nay: 2127

Tổng lượt truy cập: 3.555.800