Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 16/11/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 27/TT-BNNPTNT về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản để thực hiện công tác quản lý lâm sản, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với lĩnh vực lĩnh vực Lâm nghiệp.

Trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ phát triển mạnh, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển đất nước. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản khác đạt 15, 87 tỷ USD, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản khác đạt 16,928 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 15,8 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Ngành Lâm nghiệp phát triển mạnh thì các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Lâm nghiệp cũng phải đổi mới cho phù hợp, để đáp ứng cho việc quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như truy xuất nguồn gốc lâm sản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến và thương mại lâm sản trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản, đồng thời, để phù hợp với Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý lâm sản, góp phần vào việc thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Ngày 30/12/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư 26/TT-BNNPTNT Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 để thay thế Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Quá trình nghiên cứu và triển khai thực hiện, Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 26) có một số điểm mới so với Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT như sau: Về một số khái niệm, sửa đổi một số khái niệm không phù hợp về gỗ tròn, gỗ xẻ, thực vật rừng ngoài gỗ, phương pháp, công thức tính gỗ tròn, gỗ xẻ; cây gỗ còn nguyên cành lá, gốc, rễ trong rừng để tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng. Bỏ quy định bắt buộc ghi số hiệu đối với gỗ rừng trồng có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 mét trở lên khi lập bảng kê lâm sản, Thông tư 26 quy định khi lập bảng kê lâm sản, đơn vị tính bằng mét khối hoặc tấn hoặc ster. Về khai thác lâm sản: Bổ sung quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt phương án khai thác tận dụng, tận thu gỗ loài thông thường từ rừng tự nhiên; thực vật rừng ngoài gỗ loài thông thường từ rừng tự nhiên là rừng đặc dụng; thu thập mẫu vật thực vật rừng phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ từ rừng đặc dụng; khai thác gỗ rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; khai thác gỗ rừng phòng hộ là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư. Bổ sung quy định về hồ sơ khai thác đối với gỗ có tên trùng với cây gỗ rừng tự nhiên. Về Hồ sơ lâm sản hợp pháp, quy định cụ thể: Hồ sơ nguồn gốc lâm sản hợp pháp làm căn cứ truy xuất nguồn gốc: đối với lâm sản sau khai thác; lâm sản nhập khẩu; lâm sản sau xử lý tịch thu; hồ sơ lâm sản khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển trong nước và xuất khẩu; hồ sơ lâm sản tại cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ, nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng. Đặc biệt là Thông tư số 26 bỏ quy định về vận chuyển nội bộ để ngăn chặn hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật trong tỉnh. Về xác nhận Bảng kê lâm sản: Bổ sung đối tượng xác nhận bảng lâm sản gồm: Gỗ có nguồn gốc sau xử lý tịch thu; gỗ thuộc loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc các Phụ lục CITES và bổ sung quy định xác nhận lâm sản theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu và xác minh truy xuất nguồn gốc lâm sản. Ngoài ra, Thông tư 26 cũng quy định đối với sản phẩm gỗ hoàn chỉnh hoặc lâm sản của doanh nghiệp Nhóm I theo quy định tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT về phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển không phải xác nhận bảng kê lâm sản. Khuyến khích chủ lâm sản ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ lâm sản từ hình thức truyền thống sang hình thức gắn Mã (QR) chứa thông tin về hồ sơ nguồn gốc lâm sản vào bảng kê lâm sản để đơn giản thủ tục khi thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lâm sản và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản, nhằm hạn chế tối đa việc gian lận hồ sơ lâm sản. Về đánh dấu mẫu vật loài nguy cấp, quý, hiếm (động vật thuộc Nhóm IIB; Phụ lục II, III CITES, cá sấu): Chỉ thực hiện đối với sản phẩm hoàn chỉnh nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí thời gian, nhân lực. Về kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản: Kiểm tra đột xuất không quy định phải có quyết định kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Bổ sung quy định về thẩm quyền kiểm tra của Chi cục Kiểm Vùng để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Kiểm lâm vùng và phù hợp với thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung. Về tổ chức thực hiện: Bổ sung quy định về trách nhiệm lập, lưu giữ hồ sơ và thực hiện chế độ báo cáo đối với Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, cơ quan kiểm lâm sở tại, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng, chủ lâm sản, cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản; gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, gỗ thuộc Phụ lục CITES trước thời điểm Thông tư 26 có hiệu lực thi hành khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định của Thông tư 26; quy định chủ lâm sản thực hiện thống kê gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Phụ lục CITES cất giữ tại cơ sở, lập bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận, quản lý.

          Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc và một số nội dung cần làm rõ. Phòng Thanh tra - Pháp chế, phối hợp Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR và các cơ quan liên quan đã tổ chức nghiên cứu và được sự hỗ trợ của Cục Kiểm lâm, nên hầu hết những hầu hết những khó khăn, vướng mắc đều được tháo gỡ và giải đáp. Một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ, như quy định về lập phương án khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường, số lượng ô tiêu chuẩn cần điều tra để đánh giá trữ lượng…Cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục nghiên cứu để giải đáp.

          Hy vọng rằng, với sự ra đời của của Thông tư 26 và sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, sự tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân liên quan, việc quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản sẽ được thực hiện tốt, góp phần vào việc quản  lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế - xã hội. 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1461

Tổng lượt truy cập: 3.275.008