Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 15/11/2018, Ban quản lý dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam giai đoạn 2 tỉnh Quảng Trị (Dự án FCPF2) đã tổ chức hội thảo kỹ thuật về quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn phục vụ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững.

Tham dự hội thảo có ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó ban chỉ đạo REDD+ tỉnh, Giám đốc dự án FCPF2 tỉnh chủ trì hội thảo; Ông Trần Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng trị và hơn 40 đại biểu là đại diện cho các Sở, Ban ngành tỉnh, các Phòng nông nghiệp, phòng kinh tế và Hạt kiểm lâm các huyện của tỉnh Quảng Trị, Trung tâm quy hoạch và thiết kế nông lâm, Trung tâm khuyến nông khuyến lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, các Khu Bảo tồn thiên nhiên, các Công ty lâm nghiệp, các Cơ sở vườn ươm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Mục tiêu chính của hội thảo là xác định được các loài cây rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện sinh của tỉnh và xác định được các khu vực tiềm năng, khu vực ưu tiên cho trồng rừng gỗ lớn để thực hiện trong chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh,  phù hợp với các hoạt động của Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ và Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh.

Tại hội thảo các chuyên gia ngành lâm nghiệp đến từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trung tâm khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và cơ sở vườn ươm hộ gia đình điển hình ở Quảng Trị đã trực tiếp giới thiệu, cung cấp nhiều thông tin quan trọng đến thực trạng và định hướng, quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn và đề xuất chọn loài cây trồng rừng trên địa bàn tỉnh; Kết quả nghiên cứu chuyển giao về giống cây và xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Trị; Những khó khăn trong việc sản xuất cây giống chất lượng cao tại Quảng Trị.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn và loài cây ưu tiên cho trồng rừng gỗ lớn; các chính sách hỗ trợ vốn, giống cây cho người trồng rừng; phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn theo hướng tiếp cận các nguyên tắc bền vững và nâng cao giá trị rừng trồng;

Các thông tin có được từ hội thảo là rất hữu ích cho việc thực hiện quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn và đề xuất lựa chọn các loài cây trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, các chính sách hỗ trợ cần thiết để các bên liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 608

Tổng lượt truy cập: 3.596.058