Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn là việc làm tất yếu phải thực hiện nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn là việc làm tất yếu phải thực hiện nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.

Nắm bắt xu thế đó, nhiều địa phường trên cả nước đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao, an toàn… Giải pháp hữu hiệu nhất đang được tiến hành ở nhiều nơi là mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Đó là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều được áp dụng chương trình quản lý chất lượng bằng cách kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn… Mục đích cuối cùng là tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đã có sự phát triển toàn diện và tăng trưởng liên tục, giá trị sản xuất toàn ngành năm sau luôn cao hơn năm trước; diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, con nuôi không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế: quy mô nhỏ lẻ; chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến; số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít; sản xuất còn chạy theo số lượng, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng… dẫn tới giá trị hàng hóa chưa cao.

Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp tích cực, nhiều giống cây trồng, con nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao được đưa vào chăn nuôi, sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những cơ chế hỗ trợ thiết thực. Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, vấn đề về tồn dư hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm.

Theo Luật an toàn thực phẩm nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 3 đó là "quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm". Để tuân thủ nguyên tắc này cần phải kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất và kinh doanh. Do đó, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có sự kiểm soát của cơ quan chức năng sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định trong Luật An toàn thực phẩm.

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi được triển khai từ năm 2015, đến nay Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị đã cấp chứng nhận cho 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các cơ sở kinh doanh, chế biến như: Siêu Thị Coopmart (05 chuỗi rau); cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong (04 chuỗi: thịt lợn, thịt gà và trứng gà); 02 chuỗi nước mắm (Huỳnh Kế ở TT Cửa Tùng và Khai Hà ở TT Cửa Việt) và 01 chuỗi rau cải ở Quầy kinh doanh HTX Thành Công tại chợ Hồ Xá. Trên địa bàn tỉnh cũng có một số doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, các hộ nông dân như tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm cho người sản xuất như Công ty cổ phần chăn nuôi CP (chăn nuôi lợn, gà), công ty TNHH SX Thương mại Đại Nam (sản xuất lúa) để bán trên thị trường Quảng Trị hoặc chuyển đi tiêu thụ các nơi khác ngoài tỉnh.

Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sẽ góp phần tăng nguồn cung và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Đây cũng là một trong những hướng đi tất yếu giúp nông sản, thủy sản tránh được quy luật “được mùa mất giá” của thị trường. Tham gia chuỗi, mô hình sẽ được quản lý chất lượng tất cả các khâu từ nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến… theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tạo nên mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng và các bên tham gia đều được hưởng thụ lợi ích. Trong chuỗi này, các đơn vị sản xuất sẽ được bảo đảm đầu ra cho nông sản, tránh được rủi ro trước biến động của thị trường, các đơn vị kinh doanh có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết, chứng nhận về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước kiểm định, cấp chứng nhận. Người tiêu dùng khi đến với chuỗi sẽ không còn nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bởi những sản phẩm trong chuỗi đều được kiểm tra định kỳ, được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng theo quy định… Trước những đòi hỏi tất yếu của xu thế phát triển ngành nông nghiệp cũng như những lợi ích mà các đơn vị nhận được khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong thời gian tới Chi cục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng thêm các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, nước mắm và các sản phẩm thủy sản. Tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân khi thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; phối hợp với ngành công thương quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm được kiểm soát an toàn và nhân rộng mô hình./.

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 2166

Tổng lượt truy cập: 3.224.811