Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tìm hiểu về chỉ số PaPi, chỉ số PCI

Chỉ số PAPI

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Chương trình nghiên cứu PAPI do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chủ trì thực hiện từ năm 2009 đến nay cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), đơn vị điều phối liên danh cùng các đối tác gồm Trung tâm Công tác lý luận và Tạp chí Mặt trận thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2009-2012), Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (trong năm 2012), và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2013-2023). Từ năm 2015, Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) tham gia liên danh cùng CECODES, cung ứng giải pháp công nghệ và lập trình bảng hỏi điện tử rtSurvey chuyên dành cho khảo sát PAPI.

Từ năm 2012, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đối tác thực hiện nghiên cứu chuyên đề và tư vấn cho chính quyền địa phương về các giải pháp cải thiện hiệu quả công vụ, đồng thời chia sẻ kết quả PAPI với lãnh đạo các tỉnh/thành phố thông qua các lớp đào tạo lãnh đạo nguồn trung và cao cấp.

Qua 15 năm thực hiện nghiên cứu PAPI, UNDP cũng đã phối hợp với nhiều đối tác khác ở trung ương và địa phương trong việc vận dụng dữ liệu thực chứng từ PAPI trong đổi mới chính sách và hành động thưc tiễn, thông qua nhiều nghiên cứu chuyên đề và thảo luận cởi mở với các cấp chính quyền địa phương.

PAPI được thực hiện theo tiến trình bao gồm 9 bước: (1) Điều chỉnh phương pháp luận; (2) Bổ sung, sửa đổi bộ phiếu hỏi PAPI; (3) Chuẩn bị khảo sát thực địa; (4) Thu thập dữ liệu; (5) Phân tích dữ liệu; (6) Tham vấn kết quả nghiên cứu ban đầu; (7) Viết báo cáo nghiên cứu; (8) In ấn và công bố báo cáo PAPI; (9) Truyền thông và đối thoại chính sách.

Từ năm 2009 đến năm 2017, Chỉ số PAPI gồm 6 chỉ số nội dung, 22 nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu cụ thể.

Từ năm 2018, Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể

  • Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
  • Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương
  • Trách nhiệm giải trình với người dân
  • Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
  • Thủ tục hành chính công
  • Cung ứng dịch vụ công
  • Quản trị môi trường
  • Quản trị điện tử

Chỉ số PCI

Chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam. Chỉ số PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI cùng hợp tác thực hiện.

Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, Chỉ số PCI chính là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Với kết quả công bố thường niên cùng hệ thống dữ liệu đăng tải công khai trên trang web của dự án (www.pcivietnam.vn), đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói chung, có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành chính tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Cho tới lần cập nhật phương pháp luận gần nhất vào năm 2017, chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:

1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;

2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;

3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;

4) Chi phí không chính thức thấp;

5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;

6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;

7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;

8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;

9) Chính sách đào tạo lao động tốt;

10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Với lần điều chỉnh phương pháp luận gần nhất vào năm 2021, có 141 chỉ tiêu được sử dụng để xây dựng chỉ số PCI.

                                           Phòng Tổ chức - Hành chính

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 928

Tổng lượt truy cập: 3.588.521