Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính. Các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Tại Việt Nam, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, trong đó Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm được hiểu một cách chung nhất là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002 quy định: "Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối". 

https://skh.quangngai.gov.vn/documents/321194/15984097/nguon+goc.jpg/3e489319-d96e-482b-a2cf-11b30d133ffa?t=1669605056848
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Từ đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Xét theo TCVN 12850:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

+ Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.

+ Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

+ Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

+ Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu truy xuất nguồn gốc còn phân tách do chưa kết nối, chia sẽ giữa các bộ ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp. Thông tin truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng "các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc" như: Không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, thông tin không chính xác.... Ngoài ra, người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ truy cập được thông tin.

Do yêu cầu khắt khe cho các mặt hàng nhập khẩu của một số nước phát triển trên thế giới, và yêu cầu về hàng hóa được đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng trong nước ngày càng cao. Nên các doanh nghiệp, hàng hóa muốn tồn tại và phát triển trên thị trường bắt buộc phải quan tâm và áp dụng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ đó nâng cao chất lượng và kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chí của thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Việc truy xuất nguồn gốc diễn ra trên thế giới cùng như ở Việt Nam là xu thế tất yếu và cũng là những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và cải tiến chất lượng để cạnh tranh trong chính thị trường nội địa, và phát triển xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao, hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.

- Vai trò của truy xuất nguồn gốc đối với việc tăng giá trị hàng hóa:

+ Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trước

Truy xuất nguồn gốc trong trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm lúc ấy phải truy xuất ngược trở lại nhà sản xuất. Bản thân nhà sản xuất phải có hệ thống nội bộ để truy xuất trong suốt quá trình từ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm đến quá trình sản xuất, phân phối… truy xuất nguồn gốc không chỉ liên quan đến việc chế biến, bảo quản mà còn liên quan đến vấn đề sản xuất ra sản phẩm như thế nào, sử dụng phân bón ra sao, thuốc bảo vệ thực vật… để tìm ra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và có biện pháp khắc phục.

+ Giúp Doanh nghiệp truy cập thông tin chính xác, thuận lợi nhất

Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết.

+ Truy xuất nguồn gốc giúp các đơn vị quản lý phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vì hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc không những tạo thuận lợi thương mại mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như: sữa nhiễm melamine, quần áo chứa dư lượng formaldehyte hay nông sản "tắm hóa chất", đội lốt hàng Việt Nam...

+ Truy xuất nguồn gốc là chìa khóa giúp nông sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiêu chuẩn chất lượng cao.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mà còn là đòn bẩy để tăng trưởng xuất khẩu, giúp doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu cao về chất lượng, công nghệ và kỹ thuật ở những thị trường lớn trên thế giới. Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe. Ngoài ra ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ góp phần thắt chặt liên kết, tương tác đa chiều và giúp doanh nghiệp hai bên dễ dàng tìm ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhất là với sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

+ Giúp các cơ quan chính sách trong việc thay đổi dần cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung và chuyên nghiệp

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc góp phần từng bước giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết tập trung; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong nuôi trồng và sản xuất sản phẩm tạo ra phải đảm bảo an toàn; kết nối được người thu mua, pân phối, tiêu thụ với người nuôi trồng qua đó tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị trường của người sản xuất

Hiện nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Hiện tại cho thấy, có khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở ngoài các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR code và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu... truy xuất nguồn gốc cần nhiều thông tin hơn. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể. Do vậy, doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin về việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trong từng công đoạn của sản phẩm, để tận dụng tốt cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam./.

Nguyễn Thị Thu Hiền - TTKN

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 1564

Tổng lượt truy cập: 3.560.371