Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Xác định Khoa học Công nghệ (KHCN) là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khcn vào sản xuất bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Qua đó, không những nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn tạo ra chuyển biến tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tự động. Nhiều mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan hồ điệp, dâu tây, dưa lưới… đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… cho hơn 4.500 ha cây trồng. Nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong lĩnh vực chăn nuôi đến nay đã có hơn 60 trang trại chăn nuôi ứng dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, bán tự động; hệ thống camera theo dõi vật nuôi được kết nối internet và điều khiển thông qua điện thoại thông minh… Các cơ quan chuyên môn đã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh như Hệ thống thông tin địa lý - GIS trong việc giám sát và khống chế bện cúm gia cầm; quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm thông qua ứng dụng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - VAHIS.

Đối với lĩnh vực thủy sản, đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 178/187 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, đạt tỉ lệ 95,1%. Thông qua hệ thống giám sát hành trình để theo dõi quá trình hoạt động của tàu cá trên biển, hướng dẫn các chủ tàu hoạt động đúng vùng biển cho phép, không vi phạm vùng biển nước ngoài; hướng dẫn di chuyển để tránh bão hoặc các điều kiện thời tiết không thuận lợi; hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Triển khai ứng dụng máy dò ngang để dò tìm đàn cá khi đánh bắt trên biển, giảm bớt chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đã có hơn 50 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao như biofloc, semi biofloc, 2 – 3 giai đoạn, nuôi trong nhà lưới, nhà kín…, trong đó có một số cơ sở nuôi tôm trang bị máy cho ăn tự động, cảm biến môi trường nước.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hàng năm đã giám sát, cập nhật sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp với diện tích trung bình khoản 30.000 ha thông qua hệ thống giám sát công nghệ cao và phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng phá rừng; góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng 50%. Theo đánh giá, việc cập nhật thường xuyên, kịp thời biến động về rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần làm tốt công tác quản lý tài nguyên rừng mà còn giúp chính quyền địa phương lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được chính xác, đúng thực tế. Năm 2022, thông qua ứng dụng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và giám sát lửa rừng đã có 2 điểm cháy rừng được phát hiện, huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại đến rừng. Trong công tác chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp đã tăng cường sử dụng các tập đoàn giống cây trồng lâm nghiệp đã được khảo nghiệm để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Góp phần đưa năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh từ 12 – 15 m3/ha/năm lên 18 – 20 m3/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp cũng như người sản xuất. Đã tạo nên được nhiều cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, có sức chống chịu, phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương được sản xuất gắn với thương hiệu, nhãn mác được thị trường chấp nhận. Mở thêm nhiều hướng phát triển trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Vinh, để KHCN tiếp tục phát huy vai trò “đòn bẩy” trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông sản thô. Mời gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp có tiềm năng tham gia vào khâu chế biến nông sản. Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh; đưa các sản phẩm đạt chất lượng lên sàn giao dịch trực tuyến để giảm thiểu các chi phí trung gian.

Chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ KHCN. Lựa chọn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cây trồng, con nuôi phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ mới cho nông dân và tăng cường liên kết “5 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà ngân hàng) để từng bước giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch. Tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng KHCN vào sản xuất. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hình thành nên sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao bởi doanh nghiệp vừa là đơn vị ứng dụng KHCN, vừa là đơn vị tiếp nhận những sản phẩm đầu ra của sản xuất. Thông qua doanh nghiệp, các công nghệ sẽ được chuyển giao vào sản xuất, tới với người nông dân nhanh hơn. Từ đó sản xuất kinh doanh có hiệu quả và tạo ra sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. “Với những thành quả thấy rõ của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, để KHCN thực sự trở thành một khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự chủ động của người nông dân trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất”, ông Vinh nhấn mạnh.

Sản xuất dưa lưới tại trang trại Dfarm Quảng trị, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh

Lan Anh – TTKN

Đang truy cập: 17

Hôm nay: 30

Tổng lượt truy cập: 3.593.471