Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị” để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với dự báo về thị trường đầu ra

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Xác định phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ, do vậy, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định, tích cực góp phần phát triển kinh doanh bền vững. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hình thức hợp tác giữa 2 bên hoặc các bên. Đồng thời, việc thực hiện hợp đồng/hợp tác một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản.

Thực hiện chủ trưởng của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tích cực phối hợp/ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm cho người dân và đạt được những kết quả nhất định, điển hình như:

Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị  để thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 17,5 ha, sử dụng giống lúa ST25, lợi nhuận cuối cùng cao hơn lúa thông thường khoảng 7,5 triệu đồng/ha và thực hiện mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ Hè Thu 2022, quy mô 10 ha. Với năng suất đạt 50-60 tấn/ha, đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa trên cùng chân đất, sau khi trừ chi phí lãi 15-20 triệu đồng/ha.

Hợp tác với Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương trong việc cung ứng nguồn tinh giống bò chất lượng (tinh bò zêbu và tinh bò ngoại) để thực hiện Chương trình cải tạo đàn bò nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển nhanh, trọng lượng lớn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Thực hiện chương trình này, hàng năm đã phối giống thành công hơn 10.000 con bò mẹ và cho ra đời gần 10.000 con bê lai đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX để thực hiện hành chục mô hình sản xuất, chế biến trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đem lại hiểu quả cao cho người dân, như: moo hình chăn lợn thịt an toàn sinh học sử dụng lưới chắn côn trùng đảm bảo an toàn dịch bệnh sau khi trừ chi phí lãi bình quân 11.000.000 đ/mô hình; mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa tại xã A Ngo, huyện Đakrông, sau khi trừ chi phí lãi bình quân 4.800.000 đ/mô hình; mô hình trồng đậu xanh trên chân đất thiếu nước, mô hình trồng dưa hấu phủ bạt nylon, mô hình trồng cam, bưỡi sử dụng hệ thống tưới thông minh,...đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác thông thường/ truyền thống của người dân. Đặc biêt, mô hình nuôi cá leo trong lồng với quy mô 180m3, thực hiện tại xã Vĩnh Khê, hiệu quả kinh tế đạt gần 90 triệu đồng/180m3; mô hình nuôi cá dìa trong aothực hiện tại xã Trung Giang, hiệu quả kinh tế đạt trên 64 triệu đồng/0,4 ha; mô hình nuôi tôm sú hai giai đoạn, thực hiện tại xã Vĩnh Lâm và xã Vĩnh Sơn, hiệu quả kinh tế đạt trên 67-74 triệu đồng/0,5ha/vụ; mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai nuôi cấy mô mang lại lợi nhuận gấp 1,5-1,6 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ; mô hình nông lâm kết hợp cây sinh trưởng phát triển tốt, giúp đa dạng đối tượng cây con nuôi, giảm thiểu rủi ro và cho thu nhập cao hơn sản xuất đơn cây, đơn con trên đơn vị diện tích từ 1,5 đến 2 lần.

Tuy vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò hợp đồng, hợp tác trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu nguồn lực để hoạt động, đặc biệt là nguồn tài chính, khả năng huy động vốn hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít, chưa mạnh dạn để liên kết tiêu thụ sản phẩm, trình độ  người sản xuất còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay, thiếu kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít...việc liên kết chủ yếu trên lĩnh vực trồng trọt, còn các lĩnh vực thế mạnh khác như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được "đề cập" đến, chế tài xử lý các tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không được quy định cụ thể nên không xử lý được các tranh chấp hợp đồng dẫn đến rủi ro cho cả doanh nghiệp và nông dân; doanh nghiệp, hợp tác xã còn lúng túng trong việc lập dự án liên kết, xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh; vai trò cầu nối của hợp tác xã còn mờ nhạt trong thực hiện liên kết,…

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung tuyên truyền vận động người dân nhận thức được vai trò trong việc liên kết, hợp tác sản xuất – tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển cây con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng Nông thôn mới . Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ; triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái... Tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết bằng cách tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh về đất đai, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người sản xuất triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và có cơ hội để gặp gỡ, kết nối... để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT cần đề xuất UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với những nội dung cụ thể như: Hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH… nhằm đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu thị trường./.

Nguyễn Thanh Tùng - Trung tâm KNQT

Đang truy cập: 21

Hôm nay: 267

Tổng lượt truy cập: 3.542.436