Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

      Kể từ ngày 26/10/2023, phát hiện 02 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tái phát trên đàn lợn của 2 hộ chăn nuôi ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị và thôn Đồng Tâm 1, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị, nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y nên sau hơn 2 tháng bệnh dịch xảy ra, đến ngày 22/01/2024 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế và dập tắt trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Trị nên kể từ ngày hôm nay (23/01/2024) việc chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được trở lại bình thường.

Trong đợt dịch này, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 344 hộ, 78 thôn, 28 xã, phường, thị trấn (Triệu Phong: 18 xã, thị trấn), Đakrông (3 xã), Hướng Hóa (01 xã), Cam Lộ (02 xã), Gio Linh (02 xã), thành phố Đông Hà (01 phường) và thị xã Quảng Trị (01 xã) với tổng số 2.222 con (409 lợn nái, 1.052 lợn thịt và 761 lợn sữa) bị bệnh, chết buộc chôn hủy; tổng trọng lượng chôn hủy là 102.997 kg.

Để tiếp tục chủ động kiểm soát có hiệu quả bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới, không để bệnh dịch tiếp tục tái phát và lây lan đề nghị Chính quyền địa phương các cấp và bà con chăn nuôi lợn quan tâm tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/11/2023 về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, lưu ý thực hiện tốt các biện pháp kỹ thật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cụ thể như sau:

1. Chuồng trại phải có hàng rào, ranh giới cách ly với bên ngoài; Có biện pháp diệt côn trùng và các loài gặm nhấm; không cho chó, mèo, chim, chuột, ruồi muỗi, ve bét, … xâm nhập vào chuồng trại (có thể dùng lưới chống côn trùng bao phủ toàn bộ chuồng trại).

Lối ra vào chuồng trại phải có hố luôn có chứa các chất sát trùng; có khu vực nuôi cách ly lợn trước khi cho nhập đàn và khu nuôi cách ly lợn mắc bệnh. Không được nuôi thả rông, chuồng nuôi phải được che chắn, nền chuồng phải cao ráo, sạch sẽ.

Hạn chế thương lái và khách tham quan ra vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và mang ủng hoặc giày dép của trại; Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ chăn nuôi và toàn bộ phương tiện khi ra vào trại.

2. Phải tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho lợn như: Dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn,… theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

3. Hàng ngày phải thực hiện vệ sinh cơ giới và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất là 01 lần/ngày khi địa phương có dịch và 2-3 lần/tuần khi các xã liền lề có dịch bằng các chất sát trùng như: Vôi, Benkocid, Iodine, BKA, Xút,… nồng độ thuốc sát trùng pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

4. Con giống đưa vào chăn nuôi phải mạnh khỏe, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi nhập lợn về nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương và khi xuất bán phải khai báo kiểm dịch với cơ quan thú y.

Trong khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định thì hạn chế nhập mới lợn về nuôi nhất là từ khu vực đang có dịch. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ nên nhập lợn từ các trại chăn nuôi có Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi còn hiệu lực và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y và phải thực hiện các bước tái đàn theo hướng dẫn tại điểm b, phần lưu ý.

5. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Không mua và sử dụng các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc và không chế biến gần khu vực chăn nuôi.

Thức ăn cho lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

      6. Khi phát hiện đàn lợn có những biểu hiện sốt cao, bỏ ăn hàng loạt, chết, ... hoặc lợn có các triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi như đã nêu ở trên thì phải nhanh chóng báo cho nhân viên thú y, chính quyền địa phương và Trạm Chăn nuôi và Thú y để có biện pháp xử lý; ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt “5 không” đó là: (1) Không giấu dịch (2) Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết (3) Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết (4) Không vứt lợn bệnh chết ra môi trường (5) Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn.

Đào Văn An - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 153

Tổng lượt truy cập: 3.590.875