Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 01/11/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đã làm việc với Ủy ban nhân dân xã Hải Phú và chủ các cơ sở chăn nuôi để bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Lợi ích của việc xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đó là: 

- Chủ Cơ sở được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống động vật và sản phẩm động vật theo quy định;  

- Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ Cơ sở an toàn dịch bệnh được ưu tiên cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch, đây là lợi thế rất lớn khi mà tình hình dịch bệnh động vật hiện nay đang diễn biến khá phức tạp; Được miễn lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh được công nhận an toàn dịch bệnh trong quá trình thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo các quy định hiện hành;

- Được xem xét cấp chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGahp); được ưu tiên hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật;

- Được hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát dịch bệnh động vật của Nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ…;

- Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

- Bên cạnh đó, khi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật còn giúp trang trại giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh đối với tất cả các loại bệnh khác do trang trại chủ động thực hiện tốt kế hoạch về an toàn sinh học, thực hiện Kế hoạch về giám sát dịch bệnh và Kế hoạch về ứng phó dịch bệnh; cải tiến và nâng cao chất lượng trong việc quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực xây dựng và củng cố thương hiệu của cơ sở.

        Xuất phát từ những lợi ích đó, Thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Quy định Cơ sở, Vùng an toàn dịch bệnh động vật. Ngày 12/4/2023 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã ban hành Hướng dẫn số 123/HD-CNTY-QLDB về việc hướng dẫn xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đồng thời Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã triển khai thực hiện xây dựng các Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 05 cơ sở được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh gồm 02 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn đối với bệnh Lở mồm long móng và 03 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn với bệnh Cúm gia cầm tại các huyện Vĩnh Linh (02 cơ sở), Triệu Phong (01 cơ sở) và Cam Lộ (02 cơ sở), hiện nay đã có thêm 01 cơ sở chăn nuôi tại huyện Vĩnh Linh đang hoàn thiện hồ sơ để được Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở ATDB, các đơn vị còn lại chưa hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số cơ sở chăn nuôi đăng ký thực hiện trong năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Để tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết những khó khăn vướng mắc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã bố trí buổi làm việc với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng, Ủy ban nhân dân xã Hải Phú và Chủ các trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2023 trên địa bàn xã Hải Phú.

Tại buổi làm việc với nhiều ý kiến tham gia thảo luận về hướng dẫn xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh của cơ quan chuyên môn, sự phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện của chính quyền địa phương, đặc biệt là ý kiến tham gia của đại diện các Cơ sở chăn nuôi về những khó khăn, vướng mắc gặp phải như: Tần suất lấy mẫu xét nghiệm năm đầu tiên sau khi đăng ký (2 đợt/năm) nhiều hơn so với quy định trước đây; chi phí xét nghiệm mẫu theo quy định khá cao, nhất là đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (ước tính hơn 32 triệu/đợt xét nghiệm); nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh và hiện nay, người chăn nuôi đang thua lỗ do giá cả sản phẩm bán ra thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn còn ở mức cao.

Sau khi được các phòng chuyên môn, lãnh đạo Trạm, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã và lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân tích những lợi ích đem lại cho Cơ sở khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; đồng thời, được sự cam kết hỗ trợ tích cực từ cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân xã Hải Phú khi chủ cơ sở triển khai xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh đã tạo thêm động lực, niềm tin cho Chủ cơ sở chăn nuôi. Ngay trong buổi làm việc chủ cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Đức An mạnh dạn đăng ký xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Đào Văn An - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá cao sự quyết tâm của chủ cơ sở chăn nuôi lợn Trần Đức An, đồng thời giao trách nhiệm cho các phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ Trang trại chăn nuôi lợn Nguyễn Đức An triển khai các bước đăng ký xây dựng để được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp Giấy chứng nhận Cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong năm 2024, từ đó làm mô hình cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Hải Lăng học tập và nhân rộng.

Xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là việc làm cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các Cơ sở chăn nuôi khẳng định vị thế trên thị trường chăn nuôi và cung ứng sản phẩm, góp phần đưa ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển ổn định và bền vững./.

                                            Văn Thị Hằng - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 518

Tổng lượt truy cập: 3.557.191