Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Các quy định về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

1. Quy định về Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh

1.1. Tại Điều 45, Luật Chăn nuôi năm 2018:

- Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh.

- Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi.

- Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải thể hiện thông tin về tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm.

- Chính phủ quy định tiêu chí đối với các loại vật nuôi ở giai đoạn con non được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi.

1.2. Tại Điều 12, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi 2018; Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 sửa đổi 1 số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP:

- Tiêu chí đối với một số loại vật nuôi ở giai đoạn con non được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh được quy định như sau:

+ Lợn con có khối lượng đến 25 kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi;

+ Gà, vịt, ngan, chim cút từ 01 đến 21 ngày tuổi;

+ Thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi;

+ Bê, nghé từ sơ sinh đến 06 tháng tuổi.

 - Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ.

- Việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi được quy định như sau:

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của WHO đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31/12/2020.

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh rất quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của WHO đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31/12/2021.

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của WHO đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh không thuộc quy định tại 3 điểm trên đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31/12/2025.

2. Các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh 

Điều 12, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi:

- Có hàm lượng kháng sinh khác với hàm lượng ghi trên nhãn hàng hóa từ 10% đến dưới 30%.

- Không ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo;

- Có hàm lượng kháng sinh khác với hàm lượng theo quy định hoặc trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo từ 30% trở lên;

- Không có đơn hoặc không theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y;

- Có chứa kháng sinh trong thức ăn không phải là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm hoặc thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ theo quy định;

- Có chứa kháng sinh nhằm mục đích phòng bệnh cho vật nuôi không phải ở giai đoạn con non;

- Có chứa kháng sinh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

                                                                     Đoàn Anh Thi - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 725

Tổng lượt truy cập: 3.557.398