Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chiều 17/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

 

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 5 năm trở lại đây, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định (4,5-6%). Sản phẩm vật nuôi tăng trưởng đều qua các năm. Trong đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%. Ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến... 

Ngành chăn nuôi đã và đang chuyển trọng tâm xây dựng một nền chăn nuôi quy mô tập trung chuyên môn hóa, hiện đại, xây dựng hệ sinh thái ngành chăn nuôi. Định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của nước ta trong thời gian tới phải đảm bảo 3 trụ cột chính, gồm lợi nhuận kinh tế, môi trường và xã hội.

Về công tác ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, trong thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NN&PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm của các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhập lậu gia súc, gia cầm gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ các bệnh động vật mới, các biến chủng vi rút ngoại xâm nhập vào trong nước, gây các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm (như bệnh CGC, bệnh tai xanh lợn, bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò...); gây thiệt hại về kinh tế cho đàn gia súc, gia cầm nuôi trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường; ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi bền vững; ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật...

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Một số tỉnh trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao, Long An, An Giang…

Tỉnh Quảng Trị có 3 huyện: Hướng hoá, Đakrông và Vĩnh Linh có đường biên giới với Lào, với 02 cửa khẩu:

+ Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá: do Cơ quan Thú y vùng III quản lý và thực hiện kiểm dịch.

+ Cửa khẩu La Lay - huyện Đakrông: Hiện tại chưa có Trạm kiểm dịch.

Những năm trước đây, tình hình mua bán, vận chuyển trâu bò tại khu vực biên giới 2 nước Việt nam – Lào tại huyện Hướng Hóa diễn ra phức tạp, việc kiểm tra, kiểm soát còn nhiều khó khăn. Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 27/2009/TT-BNN ngày 28/5/2009 quy định về kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam thì việc kiểm dịch trâu bò nhập khẩu vào Quảng Trị dần được đi vào ổn định và nề nếp với 2 hình thức: Kiểm dịch chính ngạch và kiểm dịch thu gom. Tuy nhiên kể từ đầu năm 2013 đến nay không thực hiện kiểm dịch thu gom.

Việc kiểm dịch Trâu bò nhập khẩu theo đường chính ngạch về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về khu cách ly kiểm dịch động vật do cơ quan Thú y vùng III thực hiện từ năm 2010 đến ngày 19/12/2022. Trong năm 2022, có Công ty TNHH MTV 79 Thịnh Phát đã nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về khu cách ly kiểm dịch động vật được 31.469 con bò. Từ khu cách ly kiểm dịch động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị được sự ủy quyền của Chi cục Thú y Vùng III đã thực hiện kiểm dịch 23.632 con bò vận chuyển. Trong năm 2023, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo tham gia xử lý tang vật vi phạm bị thu giữ là 15 con lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ được vận chuyển từ Lào về Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của công tác ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng này.

Nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững cũng đã được nêu tại hội nghị như: tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi; chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi; tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi; tăng cường chế biến, chế biến sâu gắn với xúc tiến thị trường thương mại; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăn nuôi. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, các địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản; xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần: làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm trước ngành, doanh nghiệp, người dân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến  cũng đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hằng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước. Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoạt động có hiệu quả./.

                                   Hoàng Thị Khánh Hoà  - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 591

Tổng lượt truy cập: 3.557.264