Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Tiêm phòng cho đàn vật nuôi có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hằng năm, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi được tổ chức thường xuyên, định kỳ chia làm 2 vụ: Vụ Xuân bắt đầu từ tháng 3 và vụ Thu bắt đầu từ tháng 8. Hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn huyện Gio Linh chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện có khoảng 10.444 con trâu, bò; 23.832 con lợn; trên 469 nghìn con gia cầm

Thực hiện Kế hoạch số 351/KH-SNN ngày 20/02/2023 của Sở NN&PTNT, Kế hoạch số 37/ KH-UBND ngày 22/02/2023 của UBND huyện Gio Linh về việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023. Theo đó, toàn huyện Gio Linh đã tiến hành triển khai tiêm phòng vụ Xuân 2023. Số liệu tính đến ngày 31/7/2023, huyện Gio Linh  đã tiêm phòng vụ Xuân được Vắc xin LMLM tiêm: 5.025/8.650 liều KH, đạt 58,1%; vắc xin VDNC: tiêm được 3225/6850 liều KH, đạt 37%; vắc xin tam liên: tiêm được 9.978/19.200 liều KH, đạt 51,97%; vắc xin Dại: 2.828/4.466, đạt 63,32% tổng đàn; Vắc xin cúm gia cầm: tiêm được: 55.600liều/130.000 liều KH, đạt 42,77%. Hiện toàn huyện đang gấp rút tiêm phòng kết thúc vụ Xuân trước 15/8/2023.  Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin nói chung đạt thấp, chưa có mũi tiêm nào đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt thấp:

- Nguồn vắc xin đối ứng của huyện chậm so với kế hoạch tiêm phòng của huyện do vướng mắc trong khâu đấu thầu. Vắc xin nguồn huyện cấp chậm so với kế hoạch. Mặt khác việc cung cấp vắc xin không đồng bộ, kịp thời trong lúc nhân lực thiếu dẫn đến hiệu quả tổ chức tiêm phòng bị ảnh hưởng, kết quả thấp.

- Tập quán chăn nuôi trâu bò của một số địa phương có tổng đàn chăn nuôi trâu bò lớn của huyện như xã Linh Trường, Hải Thái (chăn nuôi trâu bò thả rong ở trong rừng), Gio Mai, Gio Mỹ, Gio Hải (chăn nuôi trâu bò theo kiều giữ phiên), nuôi tận dụng( đối với lợn và gia cầm) còn phổ biến đã gây khó khăn trong việc triển khai, làm chậm tiến độ tiêm phòng, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng thấp.

- Một số xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm phòng, “khoán trắng” cho nhân viên thú y, mặc dù vẫn có ban hành kế hoạch và giao việc cho các thành viên, bộ phận tham gia nhưng chưa kiểm tra quá trình tham gia của các thành viên được phân công. Chưa quan tâm quản lý chặt chẽ các hộ chăn nuôi trang trại cũng như chưa quản lý công tác tiêm phòng của nhóm đối tượng này nên chưa thể giám sát, thống kê số liệu tiêm phòng thực tế tại các địa phương nhất là đối với vắc xin lợn và cúm gia cầm. Người dân chưa hợp tác với cơ quan chức năng trong việc tổ chức tiêm phòng.

- Do thiếu nhân lực,  một số địa phương đã thực hiện việc thuê thêm người tiêm phòng để hỗ trợ nhân viên thú y (NVTY) tổ chức tiêm phòng. Giải pháp này có hiệu quả nhưng không có tính bền vững do người được hợp đồng trách nhiệm không cao. Ngoài ra các địa phương còn gặp khó khăn trong việc hợp đồng thuê và thủ tục thanh toán. Các quy định về mặt tài chính không phù hợp với giá cả thị trường nên một số trường hợp không thuê được nhân lực.

- Đội ngũ thú y mỏng, địa bàn hoạt động và khối lượng công việc nhiều. Chế độ BHXH và BHYT cho nhân viên thú y xã, thị trấn chưa có nên chưa thể động viên được đội ngũ này hoạt động nhiệt tình trong công việc. Một số địa phương NVTY bị ốm hoặc bị tai nạn đột xuất dẫn đến công tác tiêm phòng bị ngừng trệ, kế hoạch tiêm phòng không được thực hiện đúng tiến độ làm ảnh hưởng đến kết quả.

Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin trước khi bước vào vụ tiêm phòng. Nên mở chung gói đấu thầu chung mua các loại vắc xin chương trình (lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục) để việc cung ứng vắc xin được kịp thời và không bị gián đoạn.

- Chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện việc tiêm vắc xin đến các hộ chăn nuôi, thường xuyên thông tin trên hệ thống loa truyền thanh về lợi ích tiêm phòng, lịch tiêm phòng, các loại vắc xin cần tiêm theo quy định, trong đó thông báo rõ vắc xin được nhà nước hỗ trợ như CGC, LMLM gia súc, Dại (đối với vùng sâu vùng xa), VDNC trâu bò. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua các buổi họp để phổ biến, tờ rơi, tuyên truyền qua đài phát thanh phường trong đợt tiêm ngày 2 lần, thành lập tổ tuyên truyền lưu động để tiêm phòng, tiêm đến đâu thì tuyên truyền đến đó.

- Chính quyền các địa phương, nhất là lãnh đạo cấp xã phải thực sự quan tâm chỉ đạo bộ phận chuyên môn, các đoàn thể và người dân nghiêm túc tổ chức thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi, phải coi việc tiêm vắc xin để đạt tỷ lệ miễn dịch bảo hộ cao là rất cần thiết. Có chế tài xử nghiêm những chủ hộ không chấp hành việc tiêm vắc xin theo quy định. Thường xuyên rà soát tổng đàn vật nuôi, diện phải tiêm phòng sát với thực tế. Thành lập đội kiểm tra lưu động để tăng cường kiểm tra công tác tiêm phòng tới các hộ dân, khắc phục ngay những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng công tác tiêm phòng. 

- Xem xét chế độ BHXH, BHYT cho nhân viên thú y các xã, thị trấn để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề. Về lâu dài, cần xây dựng phương án bổ sung thêm nhân viên thú y tại các địa phương có số hộ chăn nuôi nhiều, địa bàn rộng. Hoặc bố trí số lượng thú y cơ sở dựa trên diện tích và số hộ chăn nuôi. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên thú y xã về kỹ thuật sử dụng vắc xin (đặc tính của từng vắc xin, cách bảo quản vắc xin, đối tượng tiêm phòng, cách tiêm).

Tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm là bước vô cùng quan trọng trong quá trình phòng chống dịch bệnh cần được các cấp chính quyền quan tâm. Trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên động vật, việc tạo được miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm là rất cần thiết, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế cho người chăn nuôi./.

                                              Bùi Thị Trang Nhung - Chi cục Chăn nuôi và Thú y 

Đang truy cập: 28

Hôm nay: 143

Tổng lượt truy cập: 3.542.312