Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Mỗi mùa Xuân đến là một mùa Tết lại về. Đầu tháng Chạp, hương Tết thật sự đã bắt đầu ngập tràn khắp mỗi gia đình người Việt chúng ta. Những ngày đầu năm mới 2025, không khí thu hoạch gừng ở huyện miền núi Hướng Hóa đang hết sức nhộn nhịp. Cây gừng với năng suất cao và giá bán ổn định đang mang lại niềm vui lớn cho nông dân vùng cao, giúp họ có thêm thu nhập đáng kể để chuẩn bị đón một cái Tết no đủ, ấm áp. Tết đến, sự lựa chọn món ăn cổ truyền vô cùng đa dạng tuỳ thuộc vào mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, mứt cũng là một sự lựa chọn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt. Mỗi loại có màu sắc và hương vị đặc trưng riêng. Đối với người dân Quảng Trị, Mứt gừng như linh hồn của các loại mứt, nó có vị cay nồng không thể lẫn vào đâu được, mà nguyên liệu chính để làm nên món mứt gừng cay nồng này phải là gừng Hướng Hóa.
 

      Thời điểm này dọc theo đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Khe Sanh đến các xã Tân Hợp, Hướng Tân… chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí nhộn nhịp của cảnh thu hoạch gừng, mua bán gừng. Đang tập trung rửa gừng để chuẩn bị nhập cho thương lái, anh Võ Nhân Kiệt ở thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp vui mừng cho biết, gia đình anh có khoảng 5 sào trồng gừng, mấy mùa gần đây mùa nào cũng cho năng suất khoảng 2 tấn/sào. Cộng thêm giá thu mua gừng của thương lái đang ở mức cao, từ 15.000 – 16.000 đồng/kg tùy theo chất lượng gừng nên nông dân rất phấn khởi. Theo anh Kiệt, đến thời điểm này anh đã thu hoạch được hơn 2 sào với sản lượng khoảng 4 tấn. Với giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg thì trừ chi phí anh thu lãi khoảng 5.000 đồng/kg. “Năm nay mới đầu vụ mà giá gừng đã ở mức cao như thế này thì hy vọng vào chính vụ giá gừng sẽ lên trên 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi sào có thể mang về nguồn thu từ 15 – 20 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá cao với nông dân chúng tôi, nhất là vào thời điểm tết Nguyên đán đang cận kề”, anh Kiệt phấn khởi nói.
      Tại xã Hướng Tân, chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Tân Vĩnh là một trong những hộ có diện tích trồng gừng nhiều nhất xã với khoảng 10 sào trồng chuyên canh gừng và 5 – 6 sào trồng xen giữa vườn cây cà phê đang tái canh. Chị Hoa cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên nếu chăm sóc tốt thì mỗi sào trồng gừng có thể cho thu hoạch từ 1,5 - 2 tấn gừng tươi. Hiện tại gia đình chị đã thu hoạch được khoảng 2 sào với sản lượng trên 3 tấn. Dự kiến với 15 sào trồng gừng, vụ này sẽ chị thu hoạch được khoảng 20 - 25 tấn gừng củ tươi. Với giá thu mua của thương lái ở mức 16.000 đồng/kg thì trừ chi phí chị thu được khoảng 120 triệu đồng. “Thông thường vào chính vụ giá gừng sẽ nhích lên. Hy vọng vài ngày nữa giá gừng sẽ tăng lên mức khoảng 20.000-25.000 đồng/kg để nông dân chúng tôi có một cái Tết ấm cúng”, chị Hoa nói.
      Với kinh nghiệm trên 10 năm trồng gừng, theo chị Hoa, trồng gừng khó hơn so với trồng cây cà phê. Cây gừng cần độ ẩm nhưng lại không chịu được ngập úng nên đất trồng gừng phải nằm trên những triền đồi, có chất đất là đất ba zan màu mỡ. Để gừng đạt năng suất cao sau mỗi vụ thu hoạch nông dân phải chọn những củ gừng to, già để làm giống. Đất trồng gừng phải tơi xốp, sử dụng nhiều phân chuồng. Trong quá trình trồng phải thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, đặc biệt là bệnh cháy là để phòng trừ kịp thời. Thời gian sinh trưởng của gừng từ 9 – 10 tháng nên cần chú ý xuống giống vào khoảng tháng 2 Âm lịch để kịp thu hoạch vào đầu tháng 12 Âm lịch nhằm phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán. Cũng theo chị Hoa, do thị trường Tết tiêu thụ mạnh nên nông dân cũng không còn phải vất vả đưa lên chợ bán lẻ như trước đây mà thương lái tìm đến tận nhà để thu mua. “Thông thường vào buổi sáng thương lái sẽ điện thoại hoặc đến từng nhà đặt trước số lượng cần mua. Trên cơ sở đó nông dân sẽ đào gừng, rửa sạch, đóng bao, đến chiều sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua. Ngoài ra tại địa phương cũng đã có một số hộ mở xưởng chế biến các sản phẩm từ gừng như mứt gừng’ , chị Hoa cho hay.
      Đang tất bật cân gừng, trả tiền, bốc gừng lên xe, anh Trần Văn Dũng, một trong những thương lái thu mua gừng cho biết, hiện tại đang là thời điểm đầu vụ thu hoạch nên bình quân mỗi ngày anh thu mua khoảng 1 – 2 tấn gừng củ tươi. Sản lượng này sẽ tăng lên từ 4 – 5 tấn khi vào thời điểm chính vụ. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, gừng Hướng Hóa còn được xuất đi Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Vinh nhờ chất lượng vượt trội như hình dáng củ đẹp, cay hơn, thơm hơn so với gừng trồng ở những địa phương khác. Theo anh Dũng, so với những năm trước thì trong 2 năm trở lại đây giá gừng đã có sự tăng cao. Nếu như trước đây bình quân chỉ khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg thì năm những năm trở lại đây đã tăng lên từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Vào chính vụ có thể đạt khoảng 30.000 đồng/kg.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa, ông Hồ Quốc Trung cho biết, cây gừng được xếp vào nhóm cây gia vị, dược liệu với tổng diện tích khoảng 180 ha. Phân bố rải rác trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều nhất tại các xã Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh. Năng suất thu hoạch bình quân từ 15 – 16 tấn/ha. Hiện tại, ngoài trồng trên đất màu, cây gừng còn được nông dân trồng xen trong các vườn cà phê tái canh, trồng mới năm thứ nhất. Theo ông Trung, với điều kiện độ cao, có khí hậu lạnh, đất đỏ ba zan màu mỡ nên cây gừng trồng ở huyện Hướng Hóa được đánh giá có chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao và được thị trường ưa chuộng. Thời điểm này giá gừng củ tươi đang được thu mua với giá khoảng 16.000 - 18.000 đồng/kg. Với mức giá này cây gừng đã mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho người dân địa phương.


Lan Anh, Thúy Trần - TTKN

 

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 403

Tổng lượt truy cập: 3.823.123