Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm là giải pháp giúp người nông dân có thể chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp ổn định nguyên liệu. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng ổn định, bền vững. 
 

      Với vai trò là đơn vị chuyển giao tiến bộ KHKT trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản....trong nhiều năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Sở Nông nghiệp và PTNT. Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng, triển khai các mô hình/chương trình/dự án khuyến nông đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các mô hình sản xuất gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân đem lại hiệu quả rất thiết thực, như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy cho thấy hiệu quả kinh tế cao gần gấp đôi so với ruộng đại trà khi liên kết với Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và thu mua với giá 13.000đ/kg lúa tươi tại ruộng, lợi nhuận người dân thu được từ 30 - 35 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân cũng được đánh giá cao, tiết kiệm được lượng giống gieo, lượng phân bón, nhân công lao động, năng suất đạt 60 tạ/ha, được HTX bao tiêu trọn gói cho nông dân với giá 10.000đ/kg và đem lại lợi nhuận 28 triệu đồng/ ha, cao hơn so với ruộng sạ lan từ 4 - 5 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi bò thịt thâm canh giúp tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình và phát huy tiềm năng chăn nuôi ở địa phương, cùng với đó là việc liên kết tiêu thụ với cơ sở giết mổ tập trung giúp đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, hiệu quả mô hình đem lại được đánh giá cao hơn từ 1,5 – 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống với lợi nhuận từ 8 - 10 triệu đồng/con. Mô hình tôm sú với sản lượng đạt hơn 5 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch < 30 con/kg, lợi nhuận thu được hơn 400 triệu đồng/ha; Mô hình nuôi cá nâu sau 6 tháng nuôi cho kích cỡ đạt 5 con/kg, sản lượng đạt hơn 4 tấn/ha, tỉ lệ sống > 70%, lợi nhuận đạt gần 500 triệu đồng/ha. Khi thực hiện mô hình, đơn vị đã triển khai ký hợp đồng liên kết với các cơ sở cung cấp vật tư và thu mua sản phẩm thương phẩm, đảm bảo giá cả thị trường nên người dân rất yên tâm sản xuất. Mô hình vườn ươm giống cây lâm nghiệp, với diện tích mỗi vườn ươm đạt 1.000m2. Với kết quả hoàn thành 06 vườn ươm, hàng năm các vườn ươm này có thể cung cấp tối đa ra thị trường khoảng 1,8 triệu cây giống Keo lai mô, đáp ứng nhu cầu giống cho trồng rừng khoảng 900ha. Mô hình đã tạo thêm việc làm cho hơn 90 hộ gia đình và tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các hợp tác xã trong việc thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn ...
      Việc tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa người dân với Công ty/ doanh nghiệp/ HTX đã tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất (do có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá). Đặc biệt, việc thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả, đôi bên cùng có lợi.
      Tuy vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thiếu nguồn lực để hoạt động, đặc biệt là nguồn tài chính, khả năng huy động vốn hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít, chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, chưa mạnh dạn để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trình độ cán bộ hợp tác xã còn hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay, thiếu kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít. Điều đó, cho thấy sức hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân, hợp tác xã/doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn lực để đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm...
      Trước thực trạng này, thực hiện chủ trương và định hướng của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông đã chú trọng chỉ đạo công tác xây dựng, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản, các chương trình dự án triển khai đã mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đồng thời tạo đầu ra ổn định và hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã. Với những kết quả đạt được, nhiều loại hình mô hình điển hình được chính quyền các địa phương và bà con nông dân tích cực hưởng ứng, chọn lọc, nghiên cứu, áp dụng nhân rộng. Tuy nhiên, theo đánh giá và nhìn nhận của chúng tôi, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn chưa góp phần phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Phần lớn nông dân vẫn phải tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm của họ. Vậy, thời gian tới chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số nội dung/ giải pháp sau:
       Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để quy hoạch các vùng sản xuất quy mô hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất gắn với chế biến. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. 
      Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích phát triển các nông sản có tiềm năng lợi thế liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Huy động, lồng ghép các nguồn lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị bền vững, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên gắn với liên kết tiêu thụ nông sản.
      Hệ thống khuyến nông cần tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền bằng các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng...nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất tập trung hàng hóa, từ sản xuất cá thể sang tập thể, từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị”, chuyển đổi tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị...Đặc biệt, cần quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông, tạo điều kiện chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh.


Nguyễn Thanh Tùng - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Đang truy cập: 11

Hôm nay: 391

Tổng lượt truy cập: 3.823.111