Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tỉnh Quảng Trị có điều kiện tự nhiên thuận lợi và kinh tế đặc thù, với nền kinh tế nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng. Trong đó, chăn nuôi là một trong những ngành mũi nhọn, góp phần đáng kể vào thu nhập của người dân nông thôn. 

      Tại địa bàn tỉnh, chương trình Cải tạo đàn bò được Trung Tâm Khuyến nông Tỉnh thực hiện từ năm 1995 và đến nay kết quả thực hiện chương trình đã giúp các địa phương phát triển tốt đàn bò về năng suất, chất lượng và số lượng, đưa chăn nuôi bò trở thành chủ lực trong ngành chăn nuôi của tỉnh. Hàng năm, thông qua công tác TTNT bò, đã phối giống thành công cho hơn 16.000 con bò nái lai Zebu từ 50% máu ngoại trở lên, mỗi năm cho ra đời gần 10.000 con bê lai chất lượng tốt, trong đó bò chuyên thịt chiếm hơn 70%; tinh bò chuyên thịt được Trung Tâm đưa vào thực hiện từ năm 2021 và sử dụng tinh bò BBB và bò Brahman (số liệu theo báo cáo chương trình cải tạo đàn bò của Trung Tâm Khuyến nông năm 2023). Bê lai sinh ra từ giống bò chuyên thịt có nhiều điểm nổi trội , trọng lượng sơ sinh từ 28 - 32kg/con, ưu thế lai vượt trội về ngoại hình, sức sản suất, tốc độ sinh trưởng. Khối lượng bê lai hướng thịt cao hơn 28 - 35% so với bê lai nhóm Zebu. Trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 270 - 300kg, giá bán từ 25 - 30 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bò lai Zebu.
      Từ hiệu quả của chương trình Cải tạo đàn bò, cùng với các chính sách hỗ trợ trong những năm gần đây như Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND về phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là nuôi bò thâm canh. 
      Mặc dù đang có được nhiều lợi thế nhưng chăn nuôi bò tại tỉnh phát triển chưa xứng với tiềm năng, chủ yếu là hình thức chăn nuôi còn quảng canh, nhỏ lẻ, giá trị gia tăng còn thấp, chưa có đầu tư, còn gặp nhiều khó khăn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm; phương thức thâm canh bước đầu đã có nhưng còn ở mức độ thấp. Quá trình tổ chức sản xuất chăn nuôi bò của người dân còn gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn do việc đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống chất lượng; nhiều hộ chăn nuôi còn thiếu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, dinh dưỡng, phòng bệnh cho bò; tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường và ngày càng khắc nghiệt; dịch bệnh trong chăn nuôi phức tạp; chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán thương phẩm không ổn định...
      Có thể thấy rất nhiều khó khăn và thách thức cho việc phát triển chăn nuôi bò nói chung và nuôi bò thâm canh nói riêng . Tuy nhiên để phát huy hiệu quả của chương trình cải tạo đàn bò, công tác khuyến nông trong những năm gần đây đang tập trung  xây dựng và đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi bò thâm canh vì đây là hướng đi phù hợp với xu hướng  phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, là hoạt động sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học, chẳng hạn xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng bón cho cây trồng, qua đó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tạo ra giá trị bền vững. Đẩy mạnh phát triển nuôi bò thâm canh mang lại nhiều hiệu quả tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
* Về hiệu quả về kinh tế: góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm do Bò nuôi thâm canh thường tăng trọng nhanh hơn, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cao hơn so với chăn thả truyền thống, bò phát triển nhanh, không có rủi ro về dịch bệnh. Trong quá trình nuôi nhờ kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn và điều kiện nuôi dưỡng, thịt bò từ nuôi thâm canh thường có chất lượng cao hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Ngoài sản phẩm thịt, người chăn nuôi có thể khai thác thêm các sản phẩm khác như phân bò làm ngồn phân bón hữu cơ để tăng nguồn thu nhập. 
      Dẫn chứng hiệu quả kinh tế của nuôi bò thịt thâm canh thông qua mô hình chăn nuôi bò thịt BBB thâm canh hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông thực hiện tại địa bàn Huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Gio Linh trong hai năm 2023 và 2024. Năm 2023, mô hình thực hiện tại xã Triệu Trạch, sau 10 tháng nuôi, doanh thu từ mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh là  trên 473 triệu đồng, mang lại thu nhập trên 101 triệu đồng, lợi nhuận gần 70 triệu đồng/10con. Năm 2024, tại xã Triệu Thượng, sau 10 tháng nuôi hộ mô hình thu được lợi nhuận hơn 86 triệu/10 con. Các hộ nuôi có thêm nguồn thu nhập từ việc bán phân bò, bình quân tiền bán phân 3.000.000đ/con, hoặc sử phân bò làm ngồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.
*Về hiệu quả xã hội: Nuôi thâm canh có đầu tư sẽ giảm thiểu rủi ro, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, cải thiện mức sống và điều kiện sinh hoạt. Ngành chăn nuôi bò phát triển tạo ra các dịch vụ liên quan như sản xuất thức ăn, thú y, chế biến. Điều này góp phần phát triển kinh tế tại địa phương và tăng cường sự ổn định xã hội.
* Về hiệu quả môi trường: Nuôi bò thâm canh giúp tận dụng hiệu quả các nguồn thức ăn tại chỗ, giảm thiểu lãng phí. Trong quá trình nuôi, bò thải ra ngoài môi trường gồm phân, nước tiểu, thức ăn thừa. Trung bình mỗi ngày lượng chất thải được thu gom sẽ có 10 - 15 kg phân/con và 50 lít nước tiểu. Cho nên, việc nuôi bò nhốt tại chuồng giúp kiểm soát được lượng chất thải hằng ngày để tiến hành thu gom, xử lý. Lượng phân thu gom được sau khi ủ và xử lý bằng các chế phẩm vi sinh, sản phẩm tạo ra là phân hữu cơ vi sinh dùng để bón cho cây ăn quả, hoa màu, cỏ, ngô sinh khối,… Ngoài việc hạn chế gây ô nhiễm môi trường đất, nước, mỹ quan nông thôn còn tạo nên nguồn thu nhập kép cho người chăn nuôi.
* Thúc đẩy ứng dụng công nghệ: Nuôi bò thâm canh đòi hỏi việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chọn giống, chế biến thức ăn, quản lý chuồng trại, góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân.
Có thể khẳng định kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là mô hình đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với ngành nông nghiệp. Do đó trong thời gian tới, để phát triển bền vững các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi nói chung và mô hình nuôi bò thâm canh nói riêng cần có các giải pháp hiệu quả, phát huy tiềm năng lợi thế của chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
* Giải pháp về cơ chế chính sách: Các ban ngành tham mưu, đề xuất Sở Nông nghiệp và UBND Tỉnh xây dựng các chính sách đặc thù như chính sách ưu đãi về vốn, về lãi suất, thời hạn vay, quy hoạch diện tích trồng cỏ... cho người chăn nuôi để khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thâm canh.
* Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua tập huấn, hội thảo, xâydựng, triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, mô hình liên kết HTX theo chuỗi giá trị. Xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt - chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, bảo đảm người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả.
* Giải pháp tuyên truyền: Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mang lại của các mô hình. Tăng cường công tác đào tạo tập huấn về kỹ thuật chuyên môn và trình độ quản lý cho người chăn nuôi để các mô hình đạt hiệu quả cao nhất, có thể nhân rộng trong thực tế sản xuất./.

Hoàng Thị Thùy Trang - Trạm KN Liên huyện Triệu Phong - Đông Hà
 

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 376

Tổng lượt truy cập: 3.823.096