Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông luôn phải đối mặt với điều kiện tự nhiên khó khăn, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng yếu kém, trong khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao (Đakrông 32,79% năm 2024), dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô (chiếm 78,6% ở Đakrông, 50% ở Hướng Hóa), với trình độ dân trí và phương thức sản xuất còn hạn chế, chủ yếu dựa vào canh tác truyền thống, nhờ trời, sản xuất tự cung tự cấp, thiếu áp dụng kỹ thuật mới khiến năng suất nông nghiệp thấp và việc phát triển kinh tế gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của đội ngủ khuyến nông, trong những năm qua, các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã góp phần cải thiện sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Thông qua những mô hình này, nhiều hộ dân đã biết vươn lên, từng bước tiếp cận với nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, giúp người dân nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và phát triển sản xuất bền vững.
 

      Trong những năm qua, một trong những nhóm mô hình khuyến nông nổi bật tại địa bàn miền núi Hướng Hóa và Đakrông là việc chuyển giao kỹ thuật về cây trồng, đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê chè, cây ăn quả và cây dược liệu. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, sản xuất theo hướng nông lâm kết hợp đã giúp người dân không chỉ tăng năng suất mà còn gia tăng thu nhập, hạn chế phụ thuộc và tác động vào rừng tự nhiên. Nổi bật có mô hình trồng chuối lùn bản địa chăm sóc năm 2 tại huyện Đakrông, năng suất đạt 33 tấn/vụ/ha, lợi nhuận khoảng 60triệu đồng/ha/vụ (hiện tại đang tiếp tục thu hoạch). Mô hình tái canh cây cà phê chè 30 ha tại huyện Hướng Hóa, niên vụ năm 2024, năng suất ước đạt 18-22 tấn quả tươi/ha, giá bán 15.000-17.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 100-130 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn có các sản phẩm chất lượng khác từ các mô hình được thị trường ưa chuộng có thể kể đến là: Cam V2, bơ 034, mít Thái (tại Hướng Hóa), đậu đen xanh lòng (tại Đakrông). 
      Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi cũng được chú trọng phát triển, với việc chuyển giao các loại con giống có chất lượng, có khả năng chống chịu tốt. Những mô hình nổi bật như: mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học, mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ… đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp người dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Cụ thể, mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa an toàn sinh hoc trên nền đệm lót sinh hoc, quy mô 900 con/09 MH (100 con/MH), thực hiện tại xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉ lệ sống đạt 97,4%, trong lượng bình quân từ 1,5-1,7 kg/con, lợi nhuận thu được 5 triệu đồng/MH. Việc áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như sử dụng đệm lót sinh học, nuôi theo hướng an toàn sinh học đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
      Việc ứng dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh như tưới tiết kiệm, sử dụng năng lượng mặt trời, phân bón hữu cơ trong các mô hình cũng đã góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Những mô hình này tuy chưa phổ biến rộng rãi tại các huyện miền núi nhưng đã chứng minh được tính khả thi trong việc cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản.
Ngoài ra, các lớp tập huấn và đào tạo nghề hàng năm đã đưa tiến bộ kỹ thuật đến gần hơn với người đồng bào miền núi, giúp họ áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Những kiến thức này không chỉ nâng cao năng suất, thu nhập mà còn thay đổi thói quen canh tác truyền thống.
      Mặc dù đã có nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thành công, nhưng trong quá trình triển khai Trạm Khuyến nông liên huyện Hướng Hóa - Đakrông vẫn gặp phải không ít khó, thách thức. Đó là:
(1) Địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn: Hạ tầng giao thông, thủy lợi thiếu thốn, gây không ít khó khăn trong việc tưới tiêu, vận chuyển giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và các vật tư cần thiết cũng như nông sản (rất khó chọn điểm).
(2) Tập quán canh tác dựa vào kinh nghiệm: Phần lớn người dân Hướng Hóa và Đakrông vẫn giữ thói quen sản xuất theo phương thức truyền thống, e ngại việc thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng cái mới. Điều này đòi hỏi các mô hình khuyến nông phải thiết kế linh hoạt và phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào (yêu cầu kinh phí lớn).
(3) Khó khăn trong nhân rộng mô hình: Thị trường tiêu thụ không ổn định và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bên đã gây khó khăn cho việc nhân rộng mô hình.
Để hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào miền núi phát triển và bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một số giải pháp sau:
(1) Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn và tuyên truyền: Các chương trình đào tạo, tập huấn về khoa học kỹ thuật cần được tổ chức thường xuyên và mở rộng đến tất cả các xã, thôn bản. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách hạn chế, cần có các lớp đào tạo trực tuyến cho đội ngủ nhân viên khuyến nông cơ sở và tổ khuyến nông cộng đồng để lực lượng này có thể học tập và áp dụng tập huấn lại ngay tại các thôn, bản của mình để giảm bớt chi phí. Đồng thời, cần gắn bó chặt chẽ với cơ sở theo phương châm "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng các mô hình thành công nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại.
(2) Đẩy mạnh các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với định hướng phát triển của địa phương: Tập trung vào các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững như trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (chuối, cam, mít, sầu riêng), chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ sử dụng nguồn giống bản địa, hoặc phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp (trồng rừng kết hợp với cây dược liệu như đinh lăng, nghệ, sâm bố chính, nấm linh chi…). Những mô hình này không chỉ giúp đồng bào miền núi ở Hướng Hóa và Đakrông chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định, từng bước thay đổi tư duy từ "làm nông để sống" sang "kinh tế nông nghiệp". Khuyến khích các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để giúp người dân gắn kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
(3) Từng bước ứng dụng nông nghiệp thông minh: Không đầu tư hỗ trợ có tính dàn trải mà tập trung nguồn lực, chuyển giao các công nghệ phù hợp, ưu tiên các công nghệ đơn giản, dễ tiếp cận, tiết kiệm năng lượng, dễ sử dụng như nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, chăn nuôi thông minh…; khuyến khích sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động để theo dõi tình hình thời tiết, giá cả thị trường và các kỹ thuật canh tác hiện đại.
      Những mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào miền núi những năm qua đã mang lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để mô hình chuyển giao phát triển bền vững và có sức lan tỏa rộng rãi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với lực lượng khuyến nông và bà con nông dân. Việc nâng cao trình độ nhận thức của người dân và xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ là chìa khóa để đảm bảo thành công trong việc triển khai các mô hình khuyến nông trong tương lai./.


Hoàng Quốc Thịnh - Trạm KN liên huyện Hướng Hóa - Đakrông

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 379

Tổng lượt truy cập: 3.823.099