Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, ngành Nông nghiệp cần có một số giải pháp và định hướng như

      Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần hướng dẫn, hỗ trợ các ban ngành, địa phươngtăng cường tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho nông dân, đổi mới tư duy sản xuất từ "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" theo chuỗi giá trị nông sản, từ tham gia xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng", thay đổi phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm. Ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân về nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, về khoa học kỹ thuật, kinh tế, thị trường, pháp luật, chuyển đổi số, kinh tế số; nâng cao năng lực quản trị kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã.
      Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho nông dân theo hướng "chuyên nghiệp hóa nông dân", "tri thức hoá nông dân" gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để nông dân có đủ năng lực và chủ động tham gia liên kết trong sản xuất kinh doanh. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế, thu nhập cho nông dân.
      Triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, vùng miền; đẩy mạnh, phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với truy suất nguồn gốc và quản lý theo mã vùng trồng, vùng nuôi.
      Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp như: Công nghệ bảo quản, chế biến, nhân giống, môi trường, tái sử dụng phụ phẩm, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, cung cấp một số dịch vụ công hỗ trợ cho nông dân; tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin truyền thông hoạt động cho nông dân, nhất là lan tỏa các tấm gương người tốt, việc tốt, việc làm hay, mô hình kinh nghiệm, điển hình tiêu biểu…
      Trước mắt, để triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, các ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp làm công tác giảm nghèo, tuyên truyền để người dân nắm bắt được chính sách của Nhà nước và tập huấn nâng cao kỷ năng, tay nghề cho nông dân từ đó họ có cơ sở, căn cứ để triển khai xây dựng các hoạt động sản xuất hiệu quả. Đồng thời, cần quan tâm, chỉ đạo, phân công cán bộ chuyên môn các cấp về trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ sát sao, kịp thời để người dân áp dụng thực hiện, đầu tư sản xuất có hiệu quả, bền vững.
      Đặc biệt quan tâm đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, địa bàn khó khăn, biên giới, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, nên cần quan tâm đến các hình thức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật theo phương thức tập huấn kỹ thuật, đào tạo gắn với thực hành ngoài hiện trường, bắt tay chỉ việc, làm thử, làm mẫu,… tại đồng ruộng, vườn, ao, chuồng trại,… để bà con áp dụng, làm theo. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng các mối liên kết, hợp tác giữa nông dân sản xuất giỏi với nông dân là hộ nghèo/cận nghèo/yếu thế, giữa cộng đồng với doanh nghiệp/ Hợp tác xã, các tổ chức hỗ trợ, cơ quan chức năng,… để giúp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để huy động các nguồn lực cần thiết cho người dân,…
      Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương để nghiên cứu, lựa chọn đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất, đáp ứng yêu cầu đa dạng nguồn sinh kế cho người dân như:
      Vùng miền núi: Tập trung đầu tư, phát triển một số mô hình về cây, con có tiềm năng, lợi thế, như: cà phê, chuối, sắn, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu, rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây dược liệu, nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt thâm canh, nuôi dê nhốt chuồng, nuôi lợn và gà bản địa,…
      Vùng đồng bằng: Tăng cường mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, liên kết sản xuất ngô sinh khối làm nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, mô hình trồng đậu xanh giống mới và giống địa phương (xanh tằm) phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, sữa, bánh kẹo,… Mô hình thâm canh lạc, dưa các loại theo hướng bền vững, thích ứng BĐKH. Chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thâm canh nhốt chuồng, chăn nuôi lợn, gà, vịt trên nền đệm lót sinh học, an toàn dịch bệnh. Nuôi thủy hải sản nước ngọt (ốc bươu đen, cá truyền thống, cá đặc sản trong lồng, bè trong ao, hồ, đập, tôm càng xanh,...) 
      Vùng ven biển: Quan tâm phát triển các mô hình sản xuất về trồng trọt, như trồng dưa các loại, khoai, môn, ném, mướp đắng, trồng lạc phủ bạt nylon, các giống lúa chịu mặn, hạn; trồng tràm năm gân dược liệu, rừng keo lưỡi liềm; chăn nuôi gà thả vườn, nuôi vịt biển; nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn theo công nghệ mới, nuôi các đối tượng thủy hải sản có giá trị cao, hiệu quả như: cá chim vây vàng, cá kình, cá nâu, ốc hương,…
      Ngoài ra, hiện nay tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt khoảng 73% tổng đàn bò và đang có xu hướng tăng lên theo từng năm thông qua chương trình cải tạo đàn bò. Mặt khác, các chương trình mục tiêu Quốc gia hiện nay chủ yếu đều hỗ trợ con bò với tỷ lệ lai từ 25 - 50% máu ngoại và có cả Bò vàng Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia cần căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật 726/QĐ-BNN-KN để bổ sung thêm thức ăn cho bò cái mang thai, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đảm bảo nâng cao tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn các huyện thực hiện dự án, đặc biệt là các huyện miền núi, cũng như nâng cao nhận thức cho bà con đối với chăn nuôi bò sinh sản thông qua các hình thức: Tập huấn nâng cao năng lực chăn nuôi cho người dân về chăm sóc, nuôi dưỡng bò qua từng giai đoạn phát triển, hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật (bắt tay chỉ việc), quan tâm cải thiện tầm vóc, chất lượng thịt và khả năng sinh trưởng, phát triển thông qua việc phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.


Nguyễn Thanh Tùng, Lê Thanh Tùng - TTKN

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1795

Tổng lượt truy cập: 3.735.461