Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kiến vàng có tên khoa học là Oecophylla smaragdina, thuộc bộ cánh màng hymenoptera, họ formicidae, có màu vàng nhạt. Chúng làm tổ trong những lá cây được xếp chụm lại và gắn dính với nhau bởi tơ của ấu trùng Kiến nên chúng còn có tên khác là Kiến thợ dệt (weaver ant). Chúng phân bố ở Châu Á và Châu Úc. Tại VN, do bụng Kiến có màu vàng nên được gọi là Kiến vàng. Chúng sống theo bầy đàn, trong tổ Kiến vàng bao gồm Kiến thợ lớn, Kiến thợ nhỏ, Kiến đực và Kiến chúa.

Kiến vàng là nhóm côn trùng có ích có khả năng khống chế và tiêu diệt nhiều loại côn trùng gây hại. Trong tự nhiên, Kiến vàng có mặt khá phổ biến trên nhiều loại cây ăn trái, tuy nhiên mật số thường không cao; ở những vườn đã phun xịt quá nhiều thuốc trừ sâu thì hầu như Kiến vàng đã bị tuyệt chủng. Các bệnh thường gặp trên cam, quýt, bưởi như: vàng lá gân xanh, sâu vẽ bùa, bệnh do bọ xít, nhện… đều giảm nhiều khi nuôi Kiến vàng trong vườn.

* Tác dụng của Kiến vàng đối với vườn cây ăn quả có múi:

Theo ghi nhận từ nhiều nhà vườn, loài Kiến này có khả năng khống chế rất hiệu quả nhiều loại sinh vật gây hại. Cụ thể như:

- Kiến vàng giúp tiêu diệt rầy chổng cánh, là loài côn trùng môi giới truyền bệnh Greening – bệnh vàng lá gân xanh trên cây ăn quả có múi như cam, bưởi...

- Ong, ruồi ký sinh trên mình sâu vẽ bùa thường sinh sôi nảy nở mạnh mẽ nhưng nếu có Kiến vàng, chúng sẽ áp đảo tiêu diệt sâu vẽ bùa. 

- Đặc biệt, Kiến vàng còn khống chế được một loài dịch hại đáng sợ khác ở vườn cây có múi là nhện, nhất là nhện vàng. Nhiều nhà vườn trồng cây có múi đã tiến hành nuôi Kiến vàng trong vườn và nhận thấy lượng nhện đã giảm đi rõ rệt.

- Khi có mặt kiến vàng sẽ không còn bóng dáng của kiến hôi, là loại kiến đen làm cam, quýt, bười sượng và mất nước.

- Nếu thiếu Kiến vàng, bưởi và cam quýt thường hay bị bọ xít chích hút làm rụng trái non, hoặc rệp sáp đeo bám trái làm cho trái đèo đẹt, chậm lớn, rầy mềm đeo bám đọt non làm cho đọt bị quằn quèo hình xoắn ốc không phát triển.

Nhìn chung, Kiến vàng có thể tiêu diệt được các loại sâu bệnh gây hại trên vườn cây có múi như: bọ xít, rầy mềm, sâu vẽ bùa, rệp sáp, kiến hôi… Vì vậy, những cây chanh, cây bưởi có kiến vàng sinh sống thì gần như 100% sẽ không có sâu bọ. Như vậy, người nông dân không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, không tốn công xịt thuốc. Điều này mang đến nhiều lợi ích: tốt cho sức khỏe, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư.

Đặc biệt, bằng cách sinh trưởng tự nhiên, không dùng chất hóa học, không bị sâu bệnh gây hại, các loại cây có múi do kiến vàng bảo vệ sẽ cho trái to, mọng nước

* Cách nuôi thả kiến vàng trong vườn cây có múi:

- Cách thu gom Kiến vàng:

Ta đi thu thập Kiến vàng ở những cây khác đem về thả vào vườn. Nên thu thập các ổ kiến lá còn xanh, có độ to trung bình từ 20 cm trở lên, cấu tạo bởi 2 lớp lá, vì thường các tổ này dễ có Kiến chúa hơn.

Cách làm như sau: tìm tổ Kiến vàng có sẵn trên những loại cây lá to như mãng cầu xiêm, bình bát, bưởi, xoài, mận… Tổ chúng thường làm ở đầu ngọn cành và có độ cao chừng vài ba mét trở lên. Ta nên cắt luôn đoạn cành cây chứa tổ Kiến, dùng bao vải  trùm kín hết cả cành cây chứa tổ kiến lại, cột chặt miệng bao, dùng dao hoặc kéo cắt cành, cắt lấy tổ Kiến đem về thả lên cây trong vườn.

- Cách thả Kiến vàng vào vườn:

Treo các tổ Kiến lên các chãng ba, chãng bốn của cây, phải gần tán lá. Cách 4,5 cây treo 1 tổ. Khi bầy đàn đông đảo, chúng sẽ phân tán mỏng ra tìm sang những cây kế cận để làm tổ mới.

Sau khi thả Kiến, ta dùng dây điện cũ giăng giữa các cây với nhau để Kiến có thể di chuyển sang cây khác kiếm mồi.

Để bảo vệ đàn Kiến vàng, trong giai đoạn đầu mới nuôi, ta cần thường xuyên theo dõi, ngăn ngừa sự tấn công của Kiến hôi vào ban đêm vì đây là đối thủ lợi hại.

- Thời gian thả

 Nên thả Kiến lúc cây được 1 năm tuổi, vì đó là thời điểm cây bắt đầu ra nhiều lá, tạo nơi trú ngụ cho Kiến.

Kiến chúa, Kiến đực và Kiến thợ đều có mật số cao nhất từ tháng 7 đến tháng 10. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để thu thập tổ Kiến thả vào vườn mới. Nên thả vào lúc mát trời, không mưa.

- Thức ăn

Kiến vàng rất dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian, chi phí chăm sóc. Tuy nhiên nếu người nuôi không biết cách chăm thì đàn kiến sẽ bỏ đi hoặc chết

Sau khi thả, Cần phải cho Kiến vàng ăn khoảng 4,5 ngày/ lần bằng cách treo ruột gà, vịt, đầu cá, cơm nguội… lên cây. Nhất là trong mùa khô thiếu thức ăn Kiến sẽ bỏ đi. Sau khi Kiến đã quen với môi trường sống mới, ta chỉ cho ăn vài ba tháng một lần vì cho ăn nhiều Kiến sẽ làm biếng không di chuyển và săn mồi.

* Lưu ý

- Kiến vàng không ăn được những loại sâu có lông, có gai.

- Kiến hôi diệt Kiến vàng nên ta phải diệt kiến hôi trước khi thả Kiến vàng. Kiến vàng mới và kiến vàng cũ có sẵn trên cây cũng xung khắc nhau, chúng sát hại lẫn nhau, do đó nếu trên cây đang có sẵn Kiến hôi hay Kiến vàng cũ thì phải thả Kiến mới từ trên ngọn cây để Kiến mới di chuyển dần từ trên ngọn xuống xua đuổi Kiến cũ bò xuống gốc.

- Khi thu thập tổ Kiến, ta nên thu thập các tổ cùng một cây và để vào cùng một túi, để các tổ Kiến này cùng một nhóm. Để tránh Kiến đánh diệt lẫn nhau.

- Vào mùa khô, lạnh, khoảng 3 tháng cho Kiến ăn một lần để hạn chế chúng bỏ đi do thiếu thức ăn. Ví dụ: treo ruột gà, vịt, đầu cá… lên cây.

- Kiến vàng có tập tính tấn công con người nếu lỡ động chạm đến môi trường sống của nó. Vết cắn gây tổn thương nhẹ và cảm thấy đau buốt, vì khi cắn Kiến vàng tiết ra dịch acid gọi là acid formic, không gây độc. Vì vậy khi thu hoạch trái phải cẩn thận nếu không muốn bị Kiến cắn.

- Kiến vàng đặc biệt mẫn cảm với thuốc trừ sâu. Vì thế phải hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học và khuyến khích thay bằng các loại thuốc sinh học. Không phun thuốc trừ sâu phổ rộng, không phun vào các cây tạp ven đường và không phun nhiều ngày liên tiếp. Tránh dùng thuốc có gốc Cúc tổng hợp vì đây là loại thuốc diệt trừ Kiến vàng mạnh nhất. Nên phun vào buổi chiều, khi Kiến ít hoạt động và đã tập trung về tổ. Không phun trực tiếp lên tổ Kiến. Nên sử dụng dầu khoáng để phun một số loài sâu hại phát sinh và gây hại phổ biến như sâu vẽ bùa, nhện, rệp sáp… sẽ không tác động đến mật số Kiến vàng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, Kiến vàng là một loài côn trùng được xếp vào loại thiên địch có ích gắn bó với nông dân. Phát triển và nuôi dưỡng Kiến vàng trong vườn cây ăn trái đặc biệt là cây có múi là một giải pháp sinh học thông minh thay thế thuốc trừ sâu và bảo vệ môi trường, tạo dựng thói quen sản xuất lành mạnh, hợp với xu thế nông nghiệp thuận tự nhiên. Nhờ vào đặc tính sẵn có của Kiến vàng mà việc diệt trừ sâu hại trên cây ăn trái đã trở nên thật đơn giản. Đặc biệt đối với các vườn chuyên canh cây có múi, sự hiện diện của loài Kiến vàng trên cam, quýt, bưởi, chanh sẽ góp phần làm cho trái cây da bóng mượt, vỏ mỏng, phẩm chất ngon ngọt, múi rất nhiều nước, giúp bà con nông dân bán được giá. Đây là một cách làm không mới nhưng đem lại hiệu quả thiết thực giúp phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững. Vì vậy đây là phương pháp cần được nhân rộng trên vườn cây trong cả nước./.

Nguyễn Thị Ngân

Trạm Khuyến nông Triệu Phong

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 41

Tổng lượt truy cập: 3.561.078