Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

KỸ THUẬT TRỒNG KHOAI MÔN SÁP VÀNG

1.   Nhân giống

Lựa chọn củ giống tốt, những củ con cấp 1 hay cấp 2, không bị thối, lớp vỏ ngoài nhiều lông, khối lượng từ 20 – 30g/củ. Trước khi trồng khoảng 1 tháng đem giâm trong cát ẩm nơi góc nhà ít ánh sáng cho mọc mầm rồi đem trồng. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng giống cây con bằng phương pháp nhân giống dòng, giống từ mô phân sinh, lợi ích của việc sử dụng giống cây con này là sạch bệnh, cây giống không bị thoái hóa.

2.   Thời vụ

Cây khoai môn là cây dễ trồng, thích nghi được các điều kiện thời tiết khác nhau. Có thể trồng quanh năm ở những nơi chủ động nước tưới. Tuy nhiên thích hợp và cho năng suất cao nhất ở vụ Đông Xuân, có thể xuống giống từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

3.   Chuẩn bị đất trồng

Khoai môn có bộ rễ ăn nông vì vậy đất trồng cần phải được làm kỹ để đảm bảo độ tơi xốp, đồng thời đất trồng phải chứa nhiều mùn. Đất cần phải cày sâu, để ải ít nhất 15-20 ngày sau đó bừa kỹ, ruộng nước phải làm đất nhuyễn, bón phân rồi tiến hành lên luống. Lên luống đôi 1,2 – 1,4m hoặc luống đơn 60cm, cao 50 – 60cm.

4.   Trồng và chăm sóc

Trồng trên mặt luống cây cách cây 30 – 40cm, hàng cách hàng 60cm. Rạch hàng hoặc đào hố để đặt củ, trồng thấp hơn mặt đất từ 3 – 4cm, phủ 1 lớp rơm rạ để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Những ngày đầu tiên nên tới nước 1 lần, sau khi khoai đã lên cao thì có thể tưới rãnh nhưng không để ngập mặt luống.

·Bón phân:

Tổng lượng phân bón cho cây khoảng môn tính trên 1 ha: 10 – 15 tấn phân chuồng hoai mục + 60 kg Đạm ure + 60 kg Super lân + 80 kg Kali + 1 tấn vôi.

- Thời kỳ bón phân cho cây khoai môn chia làm 1 lần bón lót và 2 lần bón thúc:

+ Bón lót trước khi trồng: Toàn bộ (phân chuồng + vôi bột) + 2/3 Super lân.

+ Bón thúc lần 1 khi cây 2 – 3 lá: 1/2 Đạm ure + 1/3 Kali.

+ Bón thúc lần 2 sau trồng từ 60 – 70 ngày 1/2 Đạm ure + 1/3 Super lân + 1/3 Kali

+ Bón thúc lần 3 sau trồng 150 bón lượng Kali còn lại.

- Phương pháp bón: Đối với bón lót bón theo hốc, kết hợp với quá trình chuẩn bị đất trước khi trồng. Bón thúc kết hợp với đợt làm cỏ, vun gốc cho cây khoai môn. Sau khi làm sạch cỏ, rải phân xung quanh gốc, rồi tiến hành vun gốc cho cây khoai môn.

Trước khi thu hoạch 1 – 2 tháng cần hạn chế tưới nước và ngừng hẳn để củ chuyển hóa tinh bột hoàn toàn.

5.   Sâu bệnh gây hại

·Sâu xanh:

-  Biểu hiện: ăn thủng lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

- Phòng trừ: sử dụng thuốc Brightin, Actimax, Permicide. Nên luân phiên để tránh hiện tượng kháng thuốc.

·Rầy mềm:

- Biểu hiện: chích hút dinh dưỡng thân lá, truyền bệnh virus. Gây hại chủ yếu vào cuối vụ.

-  Phòng trừ: sử dụng thuốc Thiamax, Permicide.

·Nhện đỏ:

-  Biểu hiện: làm héo rủ hoặc chết cây con.

-  Phòng trừ: sử dụng thuốc Brightin, Actimax, Secure.

·Bệnh cháy lá:

- Biểu hiện: xuất hiện đốm tròn 1-2cm, sũng nước, màu hơi tím, đốm nâu trên lá, bệnh lớn dần làm cháy lá. Gây hại vào mùa mưa.

- Phòng trừ: làm sạch cỏ, sử dụng giống sạch bệnh. Phun thuốc Eddy, Norshield + Phytocide.

·Bệnh thối củ:

-  Biểu hiện: củ bị thối mềm và bốc mùi hôi, lá vàng úa, cây héo rồi chết.

- Phòng trừ: luân canh cây trồng, xử lý giống và đất trước khi trồng bằng thuốc Eddy hay Norshield, Phytocide.

6.   Thu hoạch

Sau khi trồng khoảng 6 tháng bà con tiến hành thu hoạch, lá cây khoai đã héo rũ, các tàu lá đã lụi dần, khi thu hoạch cần tránh củ xây xước, dập nát. Tách củ phân loại theo kích cỡ để tiêu thụ hoặc để làm giống. Bảo quản khoai thương phẩm và khoai giống nơi thoáng mát, cao ráo.

Nguyễn Hữu Khoái- Trạm KN Hải Lăng

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 323

Tổng lượt truy cập: 3.594.877