Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển khá nhanh và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. Con tôm là đối tượng nuôi chủ lực và đã trở thành thế mạnh để tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên toàn tỉnh và trong cả nước, giá trị sản xuất ngành tôm mang lại không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, gặp nhiều khó khăn do môi trường nước nuôi bị suy thoái, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh bùng phát chưa có dấu hiệu ổn định, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho các hộ nuôi, chi phí nhân công, thiết bị tăng cao, chiếm nhiều thời gian khắc phục, tu sửa lại ao hồ, thiếu nguồn giống có chất lượng tốt làm giảm hiệu quả về kinh tế, diện tích đất nuôi trồng bị bỏ hoang làm lãng phí quỹ đất nuôi, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Trước tình hình đó, những năm vừa qua Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã du nhập các đối tượng nuôi mới và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho bà con phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng nuôi như: Cua xanh, cá Đối mục, cá Vược, cá Dìa,… với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: Nuôi chuyên canh một đối tượng, nuôi xen ghép các đối tượng, nuôi kết hợp,… để  khắc phục các vùng nuôi, tận dụng diện tích mặt nước và hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh,  nâng cao hiệu quả nghề nuôi góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, để góp phần chuyển đổi những vùng nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi các đối tượng nuôi mới phù hợp với địa phương cũng như mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân là vấn đề được Trung tâm Khuyến nông đặt lên hàng đầu. Việc du nhập các đối tượng nuôi mới phù hợp điều kiện tự nhiên của từng vùng nuôi, tận dụng diện tích nuôi trồng bị bỏ hoang đã được thực hiện chuyển giao thành công trên địa bàn các xã: Trung Giang, Trung Hải, Gio Việt, Gio Mai, Triệu Độ, Triệu Phước thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong. Đây là những vùng nuôi tôm gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân chính là do các vùng nuôi có ao hồ diện tích khá lớn, nằm trong vùng thấp triều dẫn đến việc cải tạo môi trường ao nuôi gặp nhiều khó khăn, sự đầu tư cho việc nuôi tôm của bà con chưa tương ứng với yêu cầu kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao trong những năm gần đây.

Một trong những đối tượng được Trung tâm Khuyến nông du nhập và chuyển giao nhân rộng thành công trong thời gian gầy đây cho bà con chính là cá Dìa. Đây được xem là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thuộc loài cá có độ phổ muối rộng, thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt cá Dìa thương phẩm rất dễ tiêu thụ trong những năm vừa qua, giá cá được bán tùy vào từng thời điểm nhưng giao động từ: 130.000đ -150.000đ/kg, có lúc lên đến 170.000đ/kg tại hồ.

 Thấy được hiệu quả trực tiếp từ nuôi cá Dìa mang lại năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục chuyển giao 01 mô hình “Nuôi cá Dìa trong ao” tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang với diện tích 0,4ha, thả 8.000 con giống, mật độ nuôi 2 con/m², kinh phí hỗ trợ mô hình cho hộ nuôi là 50% giống và 50% thức ăn. Hàng tuần, mô hình được cán bộ kỹ thuật về trực tiếp hướng dẫn quy trình nuôi từ khâu cải tạo ao, thả giống, chăm sóc, theo dõi môi trường, bệnh cá để chủ động kiểm soát và hạn chế những rủi ro do dịch bệnh phát sinh.

Sau thời gian nuôi 5 tháng đến nay cá đã đạt kích cỡ thương phẩm 250g/con, dự kiến sản lượng đạt 1.700 kg/0,4ha, tương ứng > 4.2 tấn/ha. Với giá bán tại thời điểm hiện nay 160.000đ/kg sẽ thu về lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 64 triệu đồng/0,4ha, tương ứng 160 triệu đồng/ha.

Anh Trần Văn Thương ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh là hộ thực hiện mô hình cho biết : “Được sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nên phần nào cũng yên tâm và thực hiện đúng với quy trình nuôi, nhờ vậy mô hình nuôi cá dìa bước đầu đã cho hiệu quả”.

 

 

Hình ảnh: TT Khuyến nông kiểm tra mô hình cá Dìa - ảnh Hữu Phương

Từ những kết quả chuyển giao thành công từ mô hình nuôi cá Dìa trong những năm vừa qua và trong năm 2022, Trung tâm khuyến nông sẽ tiếp tục là cầu nối để chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, du nhập những đối tượng nôi mới phù hợp với từng vùng nuôi để thích ứng với môi trường và điều kiện khí hậu tại địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế hiệu quả trên ao nuôi của mình một cách ổn định lâu dài và bền vững.

Phan Văn Phương - TTKN

Đang truy cập: 29

Hôm nay: 1280

Tổng lượt truy cập: 3.543.448