Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Nhằm phát triển hơn nữa giống vịt Biển tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thực hiện Dự án phát triển mô hình chăn nuôi Vịt biển An toàn sinh học năm 2022, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiến hành triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ nguyện vọng của người dân vùng đồng bằng xã Hải Quế, huyện Hải Lăng để tiếp cận được với con giống mới, phù hợp với điều kiện tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôiTrung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, Trạm khuyến nông huyện Hải Lăng đã tiến hành khảo sát thực tế các hộ dân có nhu cầu, chọn 10 hộ thuộc của xã Hải Quế đây là địa bàn vùng trũng của huyện Hải Lăng để triển khai mô hình trình diễn.

Vịt biển trong mô hình được nuôi theo hướng thịt với quy mô 5.300 con, 10 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 530 con. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, vắc-xin và thuốc sát trùng, 50% kinh phí còn lại do các hộ đối ứng. Trao đổi với chúng tôi ông Trần Lương - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hải Lăng cho biết giống vịt đưa vào mô hình là vịt Biển 01 ngày tuổi được ấp nở tại Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Con giống lúc bàn giao cho các hộ đảm bảo khỏe mạnh, nhanh nhẹn, độ đồng đều cao; về thức ăn đây là loại thức ăn chuyên dụng dành cho chăn nuôi vịt, gồm 2 giai đoạn phát triển đúng yêu cầu của mô hình đề ra. Trong đó thức ăn giai đoạn 1 có hàm lượng đạm là 21%, giai đoạn 2 với độ đạm là 17%.

ảnh: cán bộ Khuyến nông tập huấn kỷ thuật chăn nuôi vịt Biển cho bà con

Tham gia mô hình, các hộ còn được Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật về chăm nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho vịt biển, qua đó sẽ giúp cho các hộ thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật của mô hình, đảm bảo an toàn sinh học, giúp cho mô hình đem lại kết quả cao sau khi kết thúc.

Ông Hoàng Minh Vũ thôn Hội Yên, xã Hải Quế cho biết khi tiếp nhận mô hình tôi rất hài lòng về chất lượng của giống vịt cũng như nguồn thức ăn cho vịt. Thức ăn được đóng bao kín, khi sử dụng có mùi thơm. Khi triển khai mô hình thì chúng tôi được sự hướng dẫn tận tình, cán bộ kỷ thuật Trung tâm Khuyến nông tập huấn và cung cấp tài liệu về Kỹ thuật chăn nuôi vịt Biển an toàn sinh học làm cẩm nang tham khảo trong suốt quá trình chăn nuôi. Ngoài ra còn hướng dẫn cho chúng tôi cách thức hoạt toán kinh tế trong quá trình làm mô hình.

ảnh: mô hình vịt Biển của ông Hoàng Minh Vũ

Chị Hoàng Thị Liên thôn Đơn Quế, xã Hải Quế cho biết khi tham gia mô hình, từ các lớp tập huấn đã giúp cho tôi hiểu biết được về giống vịt Biển; biết cách chọn vịt giống; có kiến thức và thực hành tốt trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng với các nguồn thức ăn khác nhau; biết cách phòng và trị một số bệnh thường gặp ở vịt Biển.

Qua quá trình nuôi cho thấy vịt biển dễ nuôi, có khả năng thích nghi cao với nhiều phương thức nuôi khác nhau, có thể uống được nước nhiều nguồn khác nhau và tìm kiếm, sử dụng thức ăn từ thiên nhiên như cá, ốc,…với s lượng nhiều mà không bị tiêu chảy. So với một số giống vịt nuôi phổ biến tại Quảng Trị có cùng độ tuổi, thì giống vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh hơn, kháng bệnh cao hơn.

Bà Vương Thị Lan Anh- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết đây là giống vịt do Trung Tâm chọn tạo và đã được công nhận là một tiến bộ kỹ thuật năm 2014. Vịt có khả năng thích nghi rộng trong điều kiện nước lợ, nước mặn, thích hợp với các vùng ven biển và vùng biển đảo. Ngoài ra vịt còn có thể nuôi trong điều kiện nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như: nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt. So với các giống vịt địa phương cùng thời gian nuôi thì vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh, sức đề kháng cao hơn, ít bệnh, thịt của vịt biển nạc dày ít mỡ nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Dự án triển khai sẽ góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương thông qua các lợi ích mang lại, nâng cao mức thu nhập, đóng góp tích cực vào việc xoá đói giảm nghèo phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Với quy mô 5.300 con tổng đàn, trong đó mỗi hộ nuôi 530 con, sau 70 ngày nuôi tỷ lệ nuôi sống trung bình toàn đàn đạt 97,21%. Khối lượng cơ thể khi xuất chuồng trung bình cho 10 hộ đạt 2821,8g /con/70 ngày nuôi. Trong 10 hộ nuôi có nhiều hộ đạt và vượt trọng lượng trung bình theo yêu cầu của mô hình. Kết quả này cũng cho thấy tốc độ tăng trọng của vịt Biển tại mô hình ở Quảng Trị rất tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện chăn nuôi tại các hộ dân trên địa bàn Quảng Trị. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg thì hoạch toán sơ bộ hiệu quả kinh tế của mô hình vịt Biển thương phẩm thu lãi/hộ trung bình trên 10.000.000 đồng.

Từ việc nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi vịt, giúp cho người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất và sử dụng hợp lý lao động nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho người lao động trong địa phương, giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong nông thôn.

Nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân tạo nên tập quán, thói quen thúc đẩy nghề chăn nuôi vịt thịt hàng hóa an toàn dịch bệnh và phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo tiền đề cho chăn nuôi vịt theo phương thức thâm canh, sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững.

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Cẩn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Tị cho biết: trong 3 năm (2020 -2022) triển khai dự án: “Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học”. Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng 30 mô hình cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh với 14.000 con vịt biển. Qua quá trình theo dõi cho thấy các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu kỹ thuật đề ra, mô hình phù hợp với nhiều hộ dân sống tại vùng ven biển. Thông qua mô hình người dân nắm bắt và tiếp cận được chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, có hiệu quả kinh tế. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình, trong thời gian đến Trung tâm Khuyến nông sẽ tăng cường tuyên truyền rộng rãi và tiếp tục đề xuất để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng. Giúp cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi vịt nói riêng phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phan Việt Toàn

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 442

Tổng lượt truy cập: 3.595.892