Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Trong đó, Quảng Trị là một tỉnh đã và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới nắng nóng xuất hiện trên diện rộng, kéo dài và có nhiều diễn biến phức tạp, có lúc xuất hiện các đợt nắng nóng cục bộ, gió Tây Nam thổi mạnh, nhiệt độ lên cao 38 – 400C sẽ gây ra oi bức, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng; đặc biệt nó làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển và sức sản xuất của đàn vật nuôi đồng thời dễ phát sinh các loại dịch bệnh như: tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng, E.coli, phó thương hàn, viêm phổi, cầu trùng,… gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Để hạn chế những tác động bất lợi do nắng nóng gây ra đối với đàn vật nuôi người chăn nuôi cần chủ động thực hiện đồng bộ, kịp thời một số biện pháp kỹ thuật như sau:

1.  Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết

Trước hết cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống nóng, gia cố chuồng trại, chuẩn bị thức ăn nước uống cho đàn vật nuôi. Những ngày nhiệt độ cao, nắng gắt tốt nhất không nên chăn thả và cho vật nuôi ra ngoài (đặc biệt gia súc, gia cầm non) trường hợp trâu bò đi chăn thả thấy có giông, lốc xoáy, cần khẩn trương đưa ngay về nhà để tránh con vật bị nhiễm lạnh đột ngột và sét đánh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn vật nuôi.

 2.  Chuẩn bị chuồng trại chăn nuôi

Chọn nơi cao ráo, chuồng cao hơn mặt đất tự nhiên 30-40cm, mát mẻ vào mùa hè, tránh được mưa tạt, gió lùa, sử dụng vật liệu che nắng, cách nhiệt tốt để giảm thiểu tác động của môi trường lên vật nuôi. Ngoài ra, nên trồng các loại cây xanh xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát.

Hướng chuồng nên làm theo hướng Đông Nam là tốt nhất để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào chuồng, chiều cao phù hợp đảm bảo chắc chắn và thông thoáng.

Nền chuồng: có độ dốc 1-2% để tránh đọng nước. Có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên); Có hệ thống cửa để thông gió, nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió, hệ thống phun sương  để làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi.

3.   Chăm sóc nuôi dưỡng

Vào những ngày nắng nóng vật nuôi thường có nhiều biến đổi trong qua trình hấp thu, trao đổi chất, nên việc ăn uống thay đổi không bình thường vì vậy cần tăng cường chế dộ dinh dưỡng và bổ sung khoáng, premix, vitamin,... để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với chăn nuôi trâu bò, khi thời tiết nắng nóng có thể nhốt bò ra các khu vực có nhiều cây xanh để tạo bóng mát cho con vật.

Cung cấp nguồn nước sạch đầy đủ cho gia súc, gia cầm (tốt nhất là lắp hệ thống cung cấp nước tự động cho vật nuôi tại chuồng nuôi). Hằng ngày kiểm tra thường xuyên lượng nước ở bồn chứa, máng nước và vệ sinh nguồn nước.

Đối với gia súc: Cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, rau củ quả tươi, tăng thức ăn giàu đạm, giảm thức ăn giàu tinh bột, mỡ đường. Đảm bảo cho con vật đủ no. Hằng ngày tắm chải 2-3 lần/ngày để giảm nhiệt độ cơ thể.

Không chăn thả hoặc cho gia súc làm việc trong lúc thời tiết nắng gắt (thời điểm chăn thả tốt nhất 6 - 9 giờ sáng và 4 - 6 giờ chiều), đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non.

+Đối với gia cầm: Cho ăn thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, tăng cường thức ăn xanh, bổ sung vitamin, thuốc bổ (đối với thủy cầm cần nước bể tắm phải dùng nước sạch, mát).

Mật độ nuôi: Vào mùa hè, đặc biệt những ngày nắng nóng cần giản mật độ nuôi nhốt đối với gia súc, gia cầm để tạo độ thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Đối với chăn nuôi gia cầm giản mật độ nuôi giúp hạn chế dịch bệnh và các bệnh về đường hô hấp (mật độ trung bình chăn nuôi gia cầm tốt nhất là 5 - 7 con/m2, với gia súc đảm bảo 4 – 6m2/con). Nếu thời tiết nóng quá có thể thả vật nuôi ra vườn, gốc cây quanh chuồng.

Bổ sung thêm số lượng máng ăn, máng uống trong mùa nóng để đảm bảo cho gia súc, gia cầm ăn, uống đầy đủ.

Hạn chế vận chuyển, chu chuyển đàn gia súc gia cầm trong mùa nóng. Nếu gia súc, gia cầm cần thiết phải vận chuyển thì lưu ý vận chuyển vào đêm, sáng sớm hoặc chiều mát, phương tiện vận chuyển cần có các vận dụng làm mát và chú ý mật độ vận chuyển cần thông thoáng.

 4. Vệ sinh, phòng bệnh

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định để phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, và các sinh vật gây bệnh khác. Đối với chuồng trại bằng đệm lót: Cần tiến hành tổng vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, dụng cụ và thay thế lớp đệm lót dùng trong đợt nắng nóng.

Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt,... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Benkocid, HanIod, Hantox,...).

Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thu gom phân đưa vào hố chứa phân rắc vôi bột trên bề mặt và đậy nắp, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.

Hàng ngày quan sát và theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn vật nuôi phát hiện khi đàn vật nuôi có biểu hiện của triệu chứng bệnh để cách ly, xử lý và điều trị kịp thời.

Tăng cường chế độ dinh dưỡng và chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung Vitamin, điện giải,… để nâng cao sức khỏe cho vật nuôi.

5. Xử lý khi vật nuôi bị cảm nắng, cảm nóng.

Nhanh chóng đưa gia súc vào chỗ mát. Khi đang vận chuyển hoặc do nuôi nhốt số lượng lớn, cần cho ngay con vật nghỉ ngơi ở khu vực có nhiều bóng cây mát, tách riêng từng con ra ở vị trí riêng nhằm giảm lượng khí độc do chính từ các con vật thải ra khi nhốt chung.

Trường hợp con vật đang làm việc như cày, kéo thì chọn nơi mát, yên tĩnh cho con vật nghỉ ngơi ngay.

Dùng quạt mát từ phía trước cho con vật, tốc độ vừa phải để giúp con vật hạ nhiệt từ từ, tránh làm vật nuôi sốc, choáng.

Dùng khăn mát lau cho con vật, trước hết lau ở phần đầu, vùng mặt, sau đó xuống toàn thân, khoảng 1 - 2 giờ sau có thể tắm cho con vật. Lưu ý không dùng nước lạnh dội ngay vào vùng đầu, mặt của con vật hoặc khi con vật chưa có thời gian cân bằng trạng thái cơ thể đã dùng nước lạnh dội, tắm cho con vật.

Bổ sung nước uống trực tiếp cho trâu, bò: hòa nước mát pha thêm 1 ít muối cho uống (1 thìa cà phê/10 lít nước) hoặc dùng cây diếp cá giã nhỏ cùng 20 - 30 gram muối tinh (1 thìa cà phê) hòa cùng 1 - 2 lít nước cho con vật uống. Ngoài ra có thể dùng 100 - 200 gram bột sắn dây với 2 - 3 lít nước hòa cho con vật uống.

Sử dụng các loại thuốc điện giải như Vitamin C, ADE, B.Complex, đường Gluco,… để bổ sung cho gia súc đang bị cảm nắng, nóng.

Thanh Tùng – Thảo Tiên  - Trung tâm Khuyến nông

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 214

Tổng lượt truy cập: 3.544.042