Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Cải cách hành chính (CCHC)  là một quá trình thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và dân chủ hóa đời sống xã hội. Quá trình thực thi công cuộc cải cách này phụ thuộc lớn vào nhận thức và thực thi trên thực tế vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức - chủ thể được trao quyền thực thi công vụ.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như của Chi cục Kiểm lâm, được lãnh đạo các cấp thường xuyên chỉ đạo điều hành, gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Chi cục Kiểm lâm đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, tạo được sự chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong đó có thái độ phục vụ Nhân dân để giải quyết thủ tục hành chính cũng được cải thiện rõ nét. Chi cục đã xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc, về cơ bản đã khắc phục được những chồng chéo của các giai đoạn trước; xác định vị trí việc làm, phân công, bố trí cán bộ công chức phù hợp với năng lực, sở trường; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức nhằm đáp ứng yêu cầu cũng được đặc biệt quan tâm.

Để khẳng định được vai trò của mình trong thực hiện cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ công chức Chi cục Kiểm lâm luôn xác định được chức trách nhiệm vụ, tích cực giải quyết yêu cầu, phục vụ Nhân dân theo các thủ tục hành chính đã được ban hành. Một số kết quả nổi bật:

1. Nhằm tham mưu cho Lãnh đạo Chi cục thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, công chức tại các phòng chuyên môn nghiệp vụ đã kịp thời tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính. Trên cơ sở kế hoạch, hàng năm, đã tham mưu ban hành hơn 20 kế hoạch liên quan và 30 công văn chỉ đạo tổ chức triển khai một cách đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc, nâng cao chất lượng trong giải quyết TTHC, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ.

2. Nhiệm vụ cải cách thể chế hành chính trong suốt thời gian qua đã được cán bộ công chức Chi cục chú trọng tham mưu. Những năm trở lại đây, đã kịp thời rà soát, tham mưu Chi cục Kiểm lâm trình cấp trên ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung của văn bản phù hợp với quy định.

3. Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đã thực hiện rà soát, tham mưu trình ban hành 16 TTHC liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp cấp tỉnh và 03 TTHC cấp huyện để tổ chức thực hiện; kịp thời rà soát đơn giản hóa 01 TTHC; cung ứng 15 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần... thực hiện nghiêm việc cập nhật, xử lý hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Kết quả năm 2023, Chi cục đã thực hiện tiếp nhận và xử lý đúng hạn 38 hồ sơ, không có hồ sơ tồn động, quá hạn; góp phần nâng cao thứ hạng Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

4. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục, công chức Kiểm lâm đã tập trung tham mưu thực hiện việc sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; tham mưu xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các đơn vị trực thuộc Chi cục và Đề án thành lập Hạt Kiểm lâm Bắc Hướng Hóa; rà soát, trình ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị trực thuộc phù hợp với Luật Lâm nghiệp; rà soát quy hoạch cán bộ; tham mưu thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức đúng quy trình, quy định… cán bộ công chức Chi cục Kiểm lâm đã không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức thông qua các đợt tấp huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Đến nay, việc sử dụng, sắp xếp, bố trí và quản lý công chức, người lao động được Chi cục thực hiện hợp lý, vị trí từng công việc được sắp xếp phù hợp với trình độ, năng lực của công chức, người lao động.

5. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ được cán bộ công chức chú trọng, đạt kết quả cao. Cán bộ công chức đã sử dụng thành thạo, thực hiện có hiệu quả các phần mềm như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm theo dõi chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT; các phần mềm chuyên ngành kế toán, hệ thống thông tin CBCCVC tỉnh, theo dõi diến biến rừng;  ứng dụng Zalo trong trao đổi nhiệm vụ; sử dụng chữ ký số, sử dụng thư điện tử công vụ. Đặc biệt, trong công tác quản lý bảo vệ rừng, với điều kiện biên chế ít lại quản lý diện tích rừng tương đối lớn, đa phần diện tích rừng tự nhiên nằm ở vùng xâu vùng xa, đi lại khó khăn; cán bộ công chức Chi cục Kiểm lâm đã tìm tòi các giải pháp, kịp thời sử dụng công nghệ ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh, các phần mềm Vtools, SMART để phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường những biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Hầu hết cán bộ nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm đều cơ bản sử dụng được điện thoại thông minh, máy tính bảng cài đặt các phần mềm FMRS, Vtool, Mapinfo, QGIS… có nền ảnh vệ tinh để điều tra, khảo sát thực địa, chuyển đổi và khai thác các dữ liệu bản đồ số, xác định vị trí, khoanh vẽ lô rừng, điểm, đường, xác định diện tích, khoảng cách một cách nhanh chóng và chính xác.

          Có thể khẳng định rằng, đạt được kết quả như trên phụ thuộc rất lớn vào vai trò, ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính tại Chi cục Kiểm lâm, vai trò của đội ngũ cán bộ công chức rất quan trọng. Để nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ công chức trong cải cách hành chính, Chi cục cần tiến hành các biện pháp như sau:

Thứ nhất, Người được bố trí thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Trong kiểm tra, đánh giá phải dựa trên hiệu quả công việc, bảo đảm tính công tâm, khách quan; đánh giá, nhận xét đúng người, đúng việc nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót; kiên quyết xử lý những cán bộ công chức có hành vi thiếu trách nhiệm, sai phạm.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ công chức cần nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Mỗi cán bộ công chức thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động học hỏi, giáo dục tính liêm chính, đạo đức công vụ, rèn luyện kỹ năng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm với phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cải cách hành chính. Qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục, lồng ghép tuyên truyền qua các đợt tập huấn chuyên ngành cho cán bộ công chức hàng năm.

Tóm lại, cải cách hành chính là nội dung quan trọng của nền hành chính nhà nước. Cải cách hành chính nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho dân. Cải cách hành chính thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức. Nhận thức đầy đủ về vai trò của cán bộ công chức, việc cải cách hành chính trong thời gian tới sẽ có những bước tiến đáng kể, đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của Nhân dân.

Võ Đặng Xuân Thọ

Phòng HC-TH, Chi cục Kiểm lâm

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 402

Tổng lượt truy cập: 3.557.075