Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kỹ thuật nuôi tôm Sú thâm canh 02 giai đoạn

Với sự ảnh hưởng của thời tiết thất thường, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rỏ rệt đến ngành Nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Với con nuôi chủ lực của tỉnh là con tôm thì việc tìm ra giải pháp nuôi hiệu quả, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro cho người dân là vấn đề rất cần thiết. Tôm sú là đối tượng nuôi lâu năm trên địa bàn tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên những năm gần đây tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thả giống của bà con nông dân. Hình thức nuôi tôm sú thâm canh 02 giai đoạn đang được xem là mô hình nuôi mang lại ưu điểm vượt trội trong điều kiện khí hậu hiện nay. Mô hình không những giúp nâng cao tỉ lệ sống, tăng năng suất, hiệu quả cho vụ nuôi mà còn thân thiện, bền vững.

1. Quy trình lựa chọn thiết kế ao nuôi

Hệ thống nuôi được đảm bảo có hệ thống xử lý nước đầu vào, ao cấp sẵn sàng, ao gièo, ao nuôi, hệ thống sục khí và ao chất thải được bố trí hợp lý.

Ao lắng chiếm diện tích từ 10 – 15% diện tích ao nuôi nhằm xử lý nguồn nước hạn chế dịch bệnh, chủ động được nguồn nước cấp.

Ao ương có diện tích khoảng 150 – 300 m², hình tròn hoặc vuông, có mái che, được lót bạt HDPE toàn bộ. Hệ thống sục khí được bố trí dàn đều quanh ao (2m²/ vỉ khí). Đây là giai đoạn giúp hạn chế được biến động của môi trường do thời tiết, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý sức khỏe của con tôm, giảm tỉ lệ hao hụt và tăng tỉ lệ sống. Ao ương có diện tích nhỏ giúp giảm chi phí nuôi (điện, nước, thức ăn kiểm soát tốt…). Giai đoạn này tôm có thể đạt kích thước từ 0,8 – 2 g/con. Khi sang qua giai đoạn 2 chúng ta có thể kiểm tra tỉ lệ sống của tôm nhằm tính toán lượng thức ăn hợp lý.

Với diện tích ao nuôi từ 2000 – 5000 m2, có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có hình vuông, chữ nhật hoặc tròn. Có thể lót bạt toàn bộ hoặc bạt bờ. Hệ thống quạt ở ao từ 2 – 4 dàn tùy độ gom chất thải của ao và hiệu suất cung cấp oxi ở mỗi dàn quạt.

Một số lưu ý khi bố trí các ao:

- Ao sẵn sàng nên bố trí 1 dàn quạt nhằm đảo nước tốt, tránh nước bị tù.

- Nên bố trí hệ thống xi phong sẳn sàng để có thể xử lý trong trường hợp cần thiết.

- Ao thải có thể tận dụng mặt nước để nuôi thêm một số loài cá ăn tạp như rô phi, cá đối… nhằm tăng nguồn thu và xử lý nước.

2. Quy trình vận hành và chăm sóc

Vấn đề xử lý nước đầu vào luôn được đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế nguồn nước ô nhiễm gây bệnh cho tôm, đảm bảo luôn có nước sạch cung cấp cho suốt vụ nuôi. Nước được cấp từ ao lắng qua túi lọc từ 30 – 50 µm. Nước ở ao lắng luôn được xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn (như KMnO4, TCCA…).

* Chăm sóc ao ương Giai đoạn 1

Cần tiến hành chọn giống tại các cơ sở có chất lượng tốt, uy tính. Con giống khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh lý, kiểm tra giống bằng các phương pháp cảm quan, sốc,… trước khi thả giống. Lưu ý thời gian vận chuyển giống không quá 12 tiếng từ trại giống về ao nuôi. Khi thả giống bà con nên cho vào 1 bể nhỏ tiến hành thuần trong vòng 2-3h để tôm thích nghi dần với nước ao nuôi rồi cho xuống ao. Mật độ thả trong ao ương là từ 1.000 – 2.500 con/m2. Cỡ giống tôm: Post 12 – 15.

Nước trong ao ương được kiểm tra các chỉ số môi trường và tiến hành gầy floc. Bà con có thể sử dụng nhiều loại vi sinh khác nhau để gầy floc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hoặc theo công thức sau: 180l nước sạch + 2kg cám gạo + 2kg thức ăn số 0 + 5kg mật đường + 1kg muối ăn + 500g chế phẩm sinh học có thành phần gồm Bacillus subtilis 108 CFU/kg, Bacillis licheniformis 108 CFU/kg, Bacillus megaterium 108 CFU/kg, Bacillus polymyxa 108 CFU/kg. Sục khí sau 48h thì cho xuống ao, đánh liên tục hàng ngày để tạo floc. Floc có yếu tố quan trọng giúp tôm con luôn có lượng thức ăn sẳn sàng, đồng thời floc làm ổn định môi trường ao nuôi tốt hơn, hạn chế sự phát triển của khí độc trong ao ương.

Lượng thức ăn được tính cho 100.000 tôm post trong bể ương: ngày đầu 300 g; từ ngày thứ 2 – 10 mỗi ngày tăng 50 g; từ ngày thứ 11 – 20 mỗi ngày tăng 150g; từ ngày thứ 21 – 30 mỗi ngày tăng 200 g. Tùy vào tình hình sức khỏe của tôm, điều kiện môi trường, thời tiết và lượng thức ăn dư thừa trong ao để tính toán lượng thức ăn phù hợp. Kích cỡ thức ăn giai đoạn 1 có Ø ≤ 1 mm. Cho ăn 5 – 6 lần/ngày.

Hằng ngày xi phong và thay nước khoảng 10 – 20%. Lưu ý bọc lưới tại ống xiphong để tránh hao hụt tôm bị xiphong ra ngoài. Sau thời gian ương khoảng 20 – 30 ngày thì tiến hành chuyển tôm qua ao nuôi giai đoạn 2.

* Chăm sóc ao nuôi giai đoạn 2

Khi thời gian nuôi giai đoạn ương gièo từ 15 ngày thì chúng ta tiến hành lấy nước vào ao nuôi giai đoạn 2 cho tiến hành chạy quạt và gầy floc trong ao. Phương pháp gầy floc như gầy ở giai đoạn ao gièo nhưng số lượng lớn hơn phù hợp với ao nuôi.

Trước khi sang tôm cần kiểm tra các chỉ số môi trường ở ao nuôi, sau đó xả bớt dần đến 50% nước trong ao gièo và bơm nước từ ao nuôi giai đoạn 2 vào ao gièo để thuần tôm, sau đó tiến hành sang tôm. Mật độ nuôi giai đoạn 2 từ 20 – 25 con/m2.

Trong quá trình nuôi luôn duy trì phương pháp gây floc tạo màu nước cho ao nuôi và đảm bảo độ trong từ 30 – 40 cm, có màu xanh nhạt hoặc nâu nhạt để đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Lượng thức ăn được tính trong giai đoạn này là theo bảng sau:

Bảng 1: Tỷ lệ thức ăn so với khối lượng trung bình của tôm

TT

Trọng lượng trung bình của tôm (gam/con)

% thức ăn

1,5

6,8

2,5

6,6

4

5,8

6,5

4,4

9,5

3,9

13,0

3,5

16,5

3,2

20,5

2,9

25,0

2,7

29,5

2,5

>35

2,3

Từ 1 – 1,5 tháng tuổi nên bổ sung thêm các thức ăn bổ sung, khoáng chất, men tiêu hóa định kỳ giúp tôm tăng trọng nhanh, tăng sức đề kháng và phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. liều lượng được tính

Khi cho tôm ăn cần tắt quạt nước tránh hiện tượng thức ăn bị gom vào giữa đáy ao. Cần lưu ý kiểm tra thường xuyên, thiết kế quạt nước để đảm bảo mức oxy phân tán đều trong ao, khi tôm bước sang tháng 3-4, hàm lượng hữu cơ ở vùng giữa ao cao do đó tôm thường tập trung vùng ven ao nên việc tính toán canh sàng ăn dễ bị dư thừa thức ăn. Để tránh dư thức ăn ngoài các biện pháp kiểm tra sàng ăn cần theo dõi màu nước và màu sắc của bùn đáy mà kiểm soát lượng thức ăn cho phù hợp. Ngoài ra, theo dõi biến động môi trường nước, thời tiết, tôm lột xác để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý để tránh dư thừa thức ăn.

Thường xuyên theo dõi các thông số môi trường nước, màu nước cũng như vi khuẩn gây bệnh tôm để có giải pháp xử lý kip thời như, một số giải pháp xử lý như sau:

Bảng 2: Các chỉ tiêu môi trường theo dõi

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Ngưỡng thích hợp

Giải pháp xử lý

1

pH

-

7,5 - 8,5

không quá 0,5/ngày

pH >8.5

Giảm tảo bằng vi sinh ủ mật đường; thay nước

pH<7.5

Vôi CaO, Dolomit

2

DO

mg/l

≥ 4

DO<4.0

Tăng cường quạt;oxy viên

3

Độ kiềm

ppm

80 – 150

Kiềm<100

Soda, dolomite, CaO

Kiềm>200

Thay nước, EDTA

4

Độ trong

cm

30-40

<30

Giảm tảo: Vôi CaO, CaCO3, hóa chất (BKC), Vi sinh + mật rỉ đường

>40

Gây lại tảo bằng vôi Dolomite;

ủ vi sinh + cám gạo; NPK

5

TAN

ppm

≤ 1

> 1

Ổn định pH; tăng cường quạt, vi sinh + mật đường; giảm thức ăn, thay nước

6

NO2

ppm

≤ 5

> 5

Tăng cường quạt; thay nước 30%

Thường xuyên kiểm tra đê bao, hệ thống cấp thoát nươc đảm bảo sử dụng tốt. định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường nước nuôi. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như chọn giống tốt, quản lý môi trường nước ao nuôi ổn định, sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ,… để ngăn ngừa dịch bệnh tốt hơn.

Sau thời gian nuôi từ 4 – 5 tháng, tôm đạt kích cỡ từ 30 – 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ ao.

Trương Thị Quyết, Lê Văn Lưu - TTKN

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 551

Tổng lượt truy cập: 3.589.225