Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đóng vai trò hết sức quan trọng, mang tính bền vững. Đặc biệt chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp kỹ thuật và quản lý được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh, việc thực hiện tốt an toàn sinh học là chìa khóa duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh. 

      Để tiếp tục duy trì, ổn định và chăn nuôi lợn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học như sau:
1. Về con giống
Giống vật nuôi nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh từ các cơ sở con giống an toàn  dịch bệnh và có Giấy kiểm dịch từ nguồn giống ngoại tỉnh.
Lợn giống sản xuất tại cơ sở phải thực hiện công bố tiêu chuẩn con giống. Chất lượng giống phải bảo đảm theo tiêu chuẩn đã công bố. Lợn giống phải được quản lý và sử dụng phù hợp theo quy định. 
Trước khi nhập đàn, lợn phải nuôi cách ly nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Trong thời gian này, nếu thấy đàn lợn hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện của dịch bệnh mới nhập vào khu vực chăn nuôi của trại.
2. Về chuồng trại
Xây dựng chuồng trại phải phù hợp với vị trí quy hoạch hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. 
Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, trục đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km. 
Nơi xây dựng chuồng trại phải có nguồn nước sạch; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.
 Chuồng nuôi phải có tường rào bao quanh nhằm kiểm soát người và động vật ra vào trại và phải bố trí riêng biệt các khu (khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm... ) và có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi, có bảo hộ lao động cho người ra vào chuồng nuôi.
Chuồng nuôi phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng. Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước, có độ dốc từ 3-5%.
Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó.
Thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ và dễ vệ sinh tẩy rửa. 
Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, thiết bị, ... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
3. Thức ăn, nước uống
Thức ăn đảm bảo sạch, mới, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn. Không sử dụng thức ăn quá hạn.
Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.
Nước dùng cho lợn uống phải đủ, sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. 
Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống  để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho lợn. 
Cho lợn ăn đầy đủ cân đối theo khẩu phần: giàu năng lượng, giàu đạm,  khoáng và nhóm nguyên liệu giàu Vitamin.
4. Chăm sóc, nuôi dưỡng
 Áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại lợn và giai đoạn sinh trưởng phát triển. 
Thực hiện biện pháp chăn nuôi “cùng vào - cùng ra”: là nuôi gia súc, gia cầm cùng 1 lứa tuổi, cùng vào một đợt và cùng xuất bán 1 đợt theo thứ tự  uu tiên từng khu chuồng, dãy chuồng, ô chuồng. 
Nên áp dụng phương thức nuôi  khô  (nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học) nhằm tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, giảm mùi hôi và khí độc trong chuồng nuôi giúp cho lợn khỏe mạnh, ít bệnh tật, tăng trọng nhanh.
 Sử dụng các chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng chống dịch.
5. Vệ sinh thú y
Hạn chế tối đa người ra vào trại, khu vực chuồng nuôi .Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào khu vực chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Người ra vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và quần áo bảo hộ. Chất sát trùng tại các hố sát trùng phải được bổ sung hoặc thay hàng ngày.
Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng.
Không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển, vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.
Thực hiện các quy định về tiêm phòng cho đàn lợn theo quy định. Trong trường hợp trại có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch.
Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của cơ quan quản lý .
6. Xử lý chất thải chăn nuôi.
Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt hoặc bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp trước khi vận chuyển ra ngoài. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp, phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. 
`    *  Đối với gia súc ốm và chết: Phải có khu vực riêng để xử lý vật nuôi ốm, chết. Sau mỗi lần xử lý phải phun sát trùng. Tiêu huỷ gia súc ốm, chết bằng cách chôn hoặc đốt theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
7. Quản lý dịch bệnh
Quy trình phòng bệnh phải phù hợp từng loại lợn. Trong trường hợp có dịch, phải báo ngay chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch.
Khi lợn ốm, cần  cách ly, ngừng xuất chuồng và kiểm soát chặt chẽ việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định.
Dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng; bao bì nên tiêu hủy bằng phương pháp đốt tại chỗ. 
Nếu đàn lợn nuôi bị bệnh buộc  phải tiêu hủy  phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y.


Hoàng Hương - TTKN

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 211

Tổng lượt truy cập: 3.731.933