Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

      Những năm gần đây, một số giống lúa tại tỉnh Quảng Trị đã có biểu hiện thoái hóa, mẫn cảm với một số sâu bệnh hại. Do đó, việc tìm kiếm, du nhập để tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đất đai, khí hậu, nguồn nước tưới, kỹ thuật canh tác, có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi khí hậu, phù hợp với từng địa phương cụ thể và trên hết là có lợi cho người nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế, cạnh tranh được với các giống khác trên thị trường….là việc cần thiết, thường xuyên của các cơ quan chuyên môn trong ngành Nông nghiệp.
 

      Thực hiện nhiệm vụ trên, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai xây dựng mô hình thâm canh giống lúa thuần Gia Lộc 26 và Gia Lộc 35 tại HTX Quảng Điền B, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong và HTX Phước Điền, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ruộng triển khai mô hình có chất đất tốt, chủ động tưới tiêu nước, giao thông thuận lợi, liền vùng liền thửa.
      Giống lúa GL35, GL26 là giống lúa mới, do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo, đã được công nhận lưu hành trong vụ xuân tại các tỉnh phía Bắc. Đây là vụ đầu tiên được gieo trồng tại Quảng Trị, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khác hơn với các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên qua theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng và phát triển, khả năng kháng sâu bệnh và năng suất có những ưu điểm vượt trội so với các giống lúa địa phương đang sử dụng như HC95, HT1.
      Qua thực tế mô hình cho thấy, Gia Lộc 26 và Gia Lộc 35 đều có khả năng đẻ nhánh khá, số nhánh hữu hiệu trên cây từ 2 – 3 nhánh, ít bị nhiễm sâu bệnh hơn so với giống lúa tại địa phương như HC 95, HT1. Cả 2 giống đều thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bộ rễ phát triển khỏe, chống đổ ngã tốt. Trong đó giống lúa Gia Lộc 35 có nhiều ưu điểm vượt trội như năng suất cao (năng suất thực thu đạt 70-72 tạ/ha), chất lượng gạo ngon, ít nhiễm sâu bệnh, không nhiễm rầy nâu,…có thể đưa vào cơ cấu sản xuất đại trà, thay thế giống HC95 đang ngày bị thoái hoá, nhiễm sâu bệnh nặng, đặc biệt là rầy nâu cuối vụ.
      Với định mức đầu tư phân bón, vật tư tương đương với các giống HC95, HT1 nhưng Gia Lộc 35 cho năng suất cao hơn so với HC95, HT1 và Gia Lộc 26 từ 20-22 tạ/ha nên hiệu quả kinh tế cao hơn 10-15 triệu đồng/ha.
      Theo đánh giá của người dân tham gia mô hình, Gia Lộc 35 có nhiều ưu điểm như sinh trưởng phát triển khỏe, chịu rét tốt, cứng cây, bộ lá đứng, gọn, trỗ đều, hạt xếp sít, sỏi hạt, tỷ lệ lép thấp, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh hại, đặc biệt là không bị nhiễm rầy nâu cuối vụ, trong khi giống HC95 bị nhiễm rầy ở mật độ cao, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Từ những điểm mạnh đó có thể đưa giống Gia Lộc 35 vào cơ cấu sản xuất đại trà, thay thế giống HC95 đang ngày bị thoái hoá, nhiễm sâu bệnh nặng, đặc biệt là rầy nâu cuối vụ.
      Tổng thời gian sinh trưởng của giống Gia Lộc 35 trong vụ Đông Xuân là 115 ngày nên cần bố trí sản xuất ở những đồng đất gieo trà sớm theo lịch thời vụ của tỉnh trong vụ Đông Xuân, những vùng đất trũng thấp thì không nên cơ cấu giống này.
      Tuy nhiên, để có kết quả khách quan hơn, trong vụ Đông Xuân tới đề nghị các ban ngành, chính quyền địa phương, các hợp tác xã quan tâm, xây dựng kế hoạch, mở rộng phát triển sản xuất giống lúa Gia Lộc 35 tại một số cánh đồng thuộc địa phương mình để nhằm nhanh nhân rộng giống lúa mới có triển vọng, hiệu quả tốt và làm đa dạng cơ cấu giống lúa tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.


Thanh Tùng, Trần Thúy - TTKN

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 417

Tổng lượt truy cập: 3.557.090