Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

1. Làm đất lên luống:
Ngay sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, làm đất ngay để tận dụng độ ẩm trong đất. Đất được cày bừa kỹ, xử lý vôi để tiêu diệt nguồn bệnh trong đất.
Lên luống: Luống trồng dưa hấu có thể là luống đơn hoặc luống đôi.
Luống đơn: luống rộng 2,5-3 m, hơi dốc khoảng 5- 10cm để dễ thoát nước, rãnh rộng 30cm, cao 20- 30cm, cây trồng 1 hàng/luống. Luống đôi: Luống rộng 4,5-5m, cao 20- 30cm, rãnh rộng 30cm, cây trồng 2 hai bên mép luống, định cây vào trong luống. 

2. Phủ bạt: Sử dụng nilon 2 mặt (mặt đen phủ xuống dưới, mặt ánh bạc lên trên) hoặc rơm rạ để phủ mặt luống. Nilon phủ phải được chèn hoặc ghim chặt, sau đó tiến hành đục lỗ theo mật độ đã định, thông thường khoảng cách giữa các lỗ là 50cm/ hàng. sau khi phủ bạt xong, cuốc đất chặn 2 mép bạt để tránh bị tốc lên khi có gió.Khoảng cách thích hợp là 2,5 - 3m x 0,5m; mật độ 6.500 - 9.000 cây/ha.
3. Phân bón và bón phân:
Lượng phân bón tính cho 500m2:
 500kg phân chuồng ủ hoai mục với chế phẩm Trichoderma + 25 kg phân hữu cơ vi sinh + 25kg vôi bột + 37.5kg phân lân + 12.5kg phân u rê + 15 kg phân kali clorua.
Cách bón:
Bón lót:100% phân chuồng + 100% vôi + 100% phân vi sinh + 100% phân lân + 20% đạm + 20% kali.
Bón thúc chia làm 3 lần:
Lần 1: Sau trồng 10-15 ngày khi dưa bắt đầu ngả ngọn, bao gồm: 20% đạm + 20% kali.
Lần 2: Sau trồng 25-30 ngày khi dưa hấu ra hoa – ra hoa rộ, bao gồm: 30% đạm + 30% kali.
Lần 3: Sau trồng 40-45 ngày giai đoạn nuôi quả, bao gồm: 30% đạm + 30% kali.
 Phân bón lá phun để chống rụng trái và phun vào giai đoạn quả non nhằm nâng cao năng suất chất lượng trái. Nên dừng phun trước khi thu hoạch 10 ngày.
4. Chăm sóc:
Tưới nước: Lượng nước tưới và số lần tưới tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây giai đoạn cây còn nhỏ rễ chưa ăn sâu, rộng nên tưới nhiều lần trong ngày và tưới gần gốc. Tưới 3 – 5 ngày/ lần. Khi trái bắt đầu chín giảm lượng nước tưới từ từ và ngưng tưới trước khi thu hoạch 10-15 ngày. 
Sửa dây: Khi dưa bắt đầu bò, tiến hành sửa dây, cố định vị trí của dây dưa bằng cách dùng que tre bẻ hình chữ V ghim cố định để cho các dây dưa bò song song nhau trên mặt luống.
Tỉa nhánh: Khi cây dưa có 5 lá thật thì tiến hành bấm ngọn để tạo nhánh, giữ 2 nhánh khoẻ, thường xuyên tỉa khi chồi non mới ra 5 - 7cm, tỉa bỏ hết dây chồi, dây bơi đến khi dưa thụ phấn. 
Thụ phấn bổ sung: Là biện pháp kỹ thuật quan trọng cần thiết trong việc canh tác dưa trong điều kiện không có côn trùng thụ phấn. Thụ phấn giúp cho trái to đều, thuận lợi thu hoạch.
Chọn trái: Mỗi cây để một trái, giai đoạn chọn trái khoảng 35 – 40 ngày sau khi trồng. Chọn trái ở vị trí lá 15 – 20 ở dây chính, vị trí hoa cái thứ ba, thứ tư. Nếu chọn trái trên nhánh phụ, chọn trái ở vị trí lá thứ 8 – 12, hoa cái thứ hai, thứ ba. 
Sửa trái: Sau khi chọn trái xong và trái lớn bằng trái cam thì tiến hành sửa trái, để trái phát triển thuận lợi nên sửa trái ngay ngắn, lót rơm kê đít trái, thỉnh thoảng nên trở trái để màu vỏ được đồng đều, đẹp và trái không bị thúi đít do trái tiếp xúc với đất ẩm lâu ngày.  
5. Phòng trừ sâu bệnh:
Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại, nhất là giai đoạn đầu như bọ đỏ, bọ trĩ, nấm, lở cổ rễ…Sử dụng thuốc  BVTV có nguồn gốc sinh học để đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
6. Thu hoạch:
Ngày thu hoạch tùy theo đặc tính giống và thời tiết, khi quả chín 70 - 80% thì thu hoạch. Để cho chất lượng trái đảm bảo ngon ngọt, trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày cần phải giảm, cắt nước tùy theo vùng đất. Sau đó cắt, vận chuyển nhẹ nhàng. Dùng rơm lót dưa hấu để tránh dập nát.
Cách nhận biết quả chín: Quả đạt kích thước tối đa của giống, vỏ quả thể hiện màu sắc của giống, vỏ nhiều phấn trắng, chỗ tiếp giáp đất có màu vàng. Dây, lá dưa, đầu tua ngay đốt quả chuyển vàng. Gõ nhẹ lên quả có tiếng kêu trầm đục. Cắt cuống dài 8 - 10 cm.
7. Bảo quản:
Cho dưa vào chỗ râm mát, không cho ánh nắng chiếu vào; phải luôn luôn giữ dưa ở trong trạng thái thiếu oxy tự nhiên và ở chỗ có nhiệt độ thấp. Trong quá trình bảo quản, phải thường xuyên kiểm tra, nếu thấy quả nào có hiện tượng xấu thì loại bỏ để tránh lây lan. Dưa đủ tiêu chuẩn có thể bảo quản 15 - 20 ngày.
Sử dụng kho lạnh bảo quản dưa hấu có thể giữ được lâu hơn từ 30 - 35 ngày trở lên. Để vào kho lạnh khô ráo sạch sẽ, không khí lưu thông, điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là khoảng 150C.


Lê Chí Công – Trạm Khuyến nông Đông Hà

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 73

Tổng lượt truy cập: 3.590.795