Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Giảm bớt "nhọc nhằn" cho ngư dân

Thời gian gần đây, về các xã ven biển bãi ngang, chúng ta hầu như không còn nhìn thấy cảnh từng tốp ngư dân hì hục, nhẫn nại xoay vần từng chút một để đưa chiếc thuyền nan của mình xuống biển đánh cá rồi lại vất vả đưa thuyền lên bờ neo đậu khi trở về. Thay vào đó là hình ảnh chiếc máy tời kéo thuyền đơn giản, nhỏ gọn. Chỉ cần nổ máy, cài số và tăng ga là cả chiếc thuyền đánh cá với đầy đủ ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt được nặng từ 2 - 3 tấn sẽ từ từ được kéo lên bờ một cách nhẹ nhàng.
 

      Vừa nhịp nhàng vặn tay ga để kéo chiếc thuyền của mình lên bờ sau một đêm đánh bắt trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Tân ở tại thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh vừa cho biết, trước đây mỗi lần đưa thuyền ra biển, lên bờ, anh phải huy động từ 3 - 4 người giúp sức. Mỗi bên 2 người dùng sức nâng một nữa thuyền lên rồi xoay thuyền theo một góc 1800, mỗi xoay thuyền như vậy sẽ di chuyển được quãng đường khoảng 0,6 - 1 m. Cứ xoay qua, xoay lại nhiều lần như thế mới đưa được thuyền lên bờ hoặc xuống biển. Vừa mất thời gian, vừa tốn nhiều công sức. Nhưng kể từ khi đưa vào sử dụng chiếc máy tời này, việc kéo thuyền lên bờ, xuống biển chỉ cần một mình anh và chỉ mất chưa đầy 5 phút. “Hồi trước mỗi lần đưa thuyền lên bờ hay xuống biển phải cần từ 3 - 4 người và mất thời gian từ 20 - 30 phút. Thì bây giờ chỉ cần mình tui làm. Vừa nhẹ nhàng, vừa nhanh chóng”, anh Tân vui vẻ nói.
      Chiếc máy tời được ngư dân sử dụng có thiết kế gọn nhẹ bao gồm một bộ động cơ xe gắn máy cũ có dung tích khoảng 100 cm3, bộ trục tời gồm các bánh răng để tăng sức kéo cho máy, hộp số truyền động và dây thừng để móc vào thân thuyền. Toàn bộ được đặt trên khung sắt chắc chắn có càng kéo và 2 bánh xe để thuận lợi cho việc di chuyển. Để làm điểm tựa cố định máy tời, ngư dân dùng một cái mỏ neo cắm sâu vào trong cát. Khi cần kéo thuyền lên bờ hoặc xuống biển, ngư dân chỉ cần nổ máy, cài số, tời sẽ quay thu cuộn dây thừng vào trục và từ từ kéo thuyền lên. Giá một chiếc máy tời cũng không quá cao, chỉ khoảng từ 13 - 15 triệu đồng.
      Ngư dân Nguyễn Văn Thanh ở tại thôn 5 chia sẻ, sau một đêm đánh bắt lênh đênh trên biển, hầu hết ngư dân đều đã thấm mệt, việc đưa thuyền lên bờ sẽ vắt kiệt thêm sức của họ. Do vậy, chiếc máy tời kéo thuyền đã làm lợi rất nhiều công sức cho ngư dân. Khi cập bờ, những chiếc thuyền với toàn bộ máy móc, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt được trong đêm nặng từ 2 - 3 tấn đều được máy tời kéo lên bờ một cách nhẹ nhàng. Khi cần ra khơi ngư dân lại kéo máy tời ra gần sát mép nước, cố định mỏ neo, móc cáp và kéo thuyền ra lại. “Đặc biệt, mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới ngư dân chúng tôi phải đưa thuyền vào sâu trong bờ, lên các gò cao cách mép biển hàng trăm mét để tránh thiệt hại do sóng gió, bão tố gây ra. Nếu như trước đây phải huy động từ 8 - 10 người và mất từ 3 - 4 giờ mới vận chuyển thuyền lên gò cao được. Thì nay với chiếc máy tời này chỉ cần từ 2 - 3 người và mất thời gian chưa đến 30 phút”, anh Thanh cho hay.
      Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải Hồ Xuân Thùy cho biết, toàn xã hiện có hơn 190 thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ với công suất từ 8 - 10 CV. Do là xã bãi ngang nên không có chỗ neo đậu. Mỗi khi ra khơi và trở về bờ ngư dân phải vận chuyển thuyền rất khó khăn, xoay đi xoay lại nhiều lần trên bãi cát mới đưa được thuyền xuống biển hoặc lên bờ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Trong khi với chiếc máy tời kéo thuyền ngư dân giảm được khá nhiều công sức, không những đưa thuyền lên bờ mà còn kéo thuyền xuống nước nhờ sự cơ động của càng lái và bánh xe. Theo ông Thùy, với những ưu điểm mà máy tời kéo thuyền mang lại nên hiện tại đã có hàng chục ngư dân trên địa bàn xã, nhiều nhất là tại thôn 5 đã sắm riêng cho mình một chiếc máy tời. Những hộ chưa có điều kiện thì 3 - 4 người chung nhau mua một máy. 
      Theo ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, điểm khác biệt của vùng biển bãi ngang so với vùng biển cửa lạch là đáy biển nông, sóng lớn, không có các eo vịnh kín gió nên tàu thuyền không thể neo đậu. Mỗi lần đi biển về ngư dân đều phải đưa thuyền lên cách bờ từ vài chục đến hàng trăm mét để đảm bảo an toàn. Trước đây, việc này đều được ngư dân làm hoàn toàn bằng sức lao động của mình. Chủ yếu là gánh bằng vai, đẩy bằng tay. Nên từ khi đưa vào trang bị máy tời kéo thuyền này đã giúp ngư dân giảm bớt “nặng nhọc” khi đưa thuyền xuống biển đi khai thác và lên bờ sau khi đánh bắt xong. Đặc biệt xe đẩy thuyền còn rút ngắn thời gian đưa thuyền lên bờ để tránh bão hay áp thấp nhiệt đới, giúp giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân. “Hiện tại, không chỉ riêng xã Gio Hải mà hầu hết tại các xã ven biển bãi ngang ngư dân đã bắt đầu áp dụng khá nhiều chiếc máy tời kéo thuyền này. Qua đó giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, sức khỏe cho ngư dân”, ông Vinh cho biết thêm.

Phan Phương, Lan Anh - TTKN

Đang truy cập: 33

Hôm nay: 150

Tổng lượt truy cập: 3.542.319